Phiên tòa giả định này do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Thủ Đức, các ban ngành P.An Phú và Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (P.An Phú, TP.Thủ Đức) tổ chức.
“Vụ án” tiêu biểu, tranh luận gay cấn
Luật sư (LS) Nguyễn Trung Tín đóng vai chủ tọa đã điều khiển phiên tòa giả định theo đúng quy trình xét xử sơ thẩm một vụ án hình sự.
Phiên tòa giả định do các luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thực hiện đã thu hút nhiều học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1 theo dõi |
NGUYỄN NHƯ |
LS Lê Ngô Phương Thanh vào vai đại diện viện kiểm sát, dõng dạc công bố cáo trạng, với nội dung giả định (có một số tình tiết tương tự xảy ra ở thực tiễn, gây bức xúc trong dư luận): Bà Nguyễn Thị Thu và ông Nguyễn Văn Minh là vợ chồng, có một người con chung là cháu Nguyễn Thị Thảo Mi sinh ngày 1.11.2015. Năm 2018, Thu và Minh ly hôn, cháu Mi do bà Thu nuôi dưỡng. Đến khoảng giữa năm 2019, Thu quen với Nguyễn Thanh Nam (sinh ngày 12.11.1985) và về sống như vợ chồng với Nam nhưng không đăng ký kết hôn. Trong quá trình sống chung, những lúc Thu bận đi làm thì nhờ Nam trông coi, chăm sóc cháu Mi. Có những lúc cháu Mi không làm ông Nam vừa ý, ông này đã nhiều lần dùng tay, dùng chổi, dùng cây lau nhà đánh nhiều lần vào mặt, vào lưng, vào chân cháu Mi. Vào khoảng 15 giờ ngày 10.12.2021, Nam yêu cầu Mi giặt đồ cho Nam nhưng Nam nói Mi giặt đồ không sạch và chửi mắng, dùng tay tát mạnh vào mặt cháu Mi, làm cho cháu té ngã, đầu đập xuống sàn nhà. Nam nói cháu Mi tự té ngã và đã đưa cháu đến bệnh viện để cấp cứu. Khi cháu Mi đến trường, bà Nguyễn Thị Hà là giáo viên của cháu Mi, thấy trên cơ thể cháu có nhiều vết thương có biểu hiện bị bạo hành nên đã điện thoại các cơ quan liên quan và trình báo cho cơ quan công an. Theo kết quả giám định pháp y, tỷ lệ thương tật của cháu Mi là 16%... Bị can Nguyễn Thanh Nam phạm vào tội “Cố ý gây thương tích”, với mức án đề nghị từ 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm tù.
Dù là phiên tòa giả định, nhưng phần tranh luận khá gay cấn và lôi cuốn. LS bào chữa cho bị cáo cho rằng mức án đại diện viện kiểm sát đưa ra là quá nghiêm khắc, đồng thời nêu những tình tiết giảm nhẹ và yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm khung hình phạt cho bị cáo ở mức 2 năm 6 tháng tù tới 3 năm tù.
Đáp lại, “đại diện viện kiểm sát” lập luận: “Bị cáo có một tình tiết giảm nhẹ là bị cáo khai báo thành khẩn và khắc phục hậu quả. Nhưng bị cáo cũng có một tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi và đến nay hậu quả cho bị hại vẫn còn nặng nề, sức khỏe bị hại chưa ổn định. Tôi đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu của phía luật sư bào chữa cho bị cáo và yêu cầu HĐXX giữ nguyên mức hình phạt như tôi đã đề nghị”...
Sau phần nghị án, chủ tọa thay mặt HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Nam phạm tội “Cố ý gây thương tích”, xử phạt bị cáo với mức án 3 năm 6 tháng tù.
Có nên “dĩ hòa vi quý”?
Sau phiên tòa giả định, các LS nán lại giao lưu, giải đáp thắc mắc của học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1.
Một nữ sinh lớp 9 đặt câu hỏi: “Nếu trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành, nhưng gia đình không muốn để lộ vụ việc, sợ bị mọi người xung quanh bàn tán xấu hổ. Con muốn hỏi những tình huống đó có nên “dĩ hóa vi quý” hay không?”.
LS Trần Thị Ngọc Nữ, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho hay hiện nay vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em được xử lý rất kiên quyết.
LS Nữ nhắn nhủ: “Trong những trường hợp bị bạo hành, xâm hại, các em và gia đình không được im lặng, không được tiếp tay cho cái sai cái ác, không được thương lượng và bao che vì như vậy là hành vi vi phạm pháp luật. Hãy nói không với bạo lực, với xâm hại trẻ em. Im lặng là tội ác!”.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Vũ Thị Bạch Yến, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1, cho hay qua phiên tòa này, học sinh của trường được trang bị kiến thức bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em cũng như nhớ kỹ hơn về đường dây nóng, để nếu có vấn đề bị xâm hại thì các em biết phản ánh, biết trao đổi và tìm sự giúp đỡ. Theo cô Yến, cũng qua phiên tòa, Ban Giám hiệu nhà trường cũng như các giáo viên cần quan tâm sâu sát hơn đến các em. Đặc biệt, những bậc làm cha làm mẹ trong gia đình cần phải chú ý đến những biểu hiện của con, để bảo vệ con một cách tốt nhất.
Vào sáng 19.9 tới đây, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Phú Tây (H.Bình Chánh, TP.HCM) tổ chức phiên tòa giả định “Xét xử vụ án bạo hành trẻ em” tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh.
Đường dây nóng về bảo vệ trẻ em
Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em: 111
Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí: 02839330078
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069
Bình luận (0)