Sức khỏe thời 4.0: Ăn - ngủ - đi vệ sinh cũng 'ôm' điện thoại

Lê Cầm
Lê Cầm
31/07/2023 04:05 GMT+7

Nhiều người có thói quen 'ôm' điện thoại thông minh hầu như cả ngày, như tranh thủ giờ ăn trưa, đi thang máy, đi vệ sinh, đặc biệt là cả khi đi ngủ.

Chị Thu Hiền (25 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) là nhân viên văn phòng tại một công ty có trụ sở ở TP.Thủ Đức, TP.HCM. Chị cho biết, buổi sáng chị lên xe đưa rước nhân viên để đến chỗ làm. Ngồi trên xe, chị Hiền tranh thủ lướt điện thoại xem Facebook, Tiktok. Đến chỗ làm, chị tạm để điện thoại trên bàn. Tuy nhiên giờ ăn trưa hay đi vệ sinh, chị lại tranh thủ xem điện thoại.

"Trung bình mỗi ngày tôi dùng điện thoại khoảng 7,5 tiếng. Ban ngày tôi dùng điện thoại 3-4 tiếng do phải làm việc, thời gian còn lại tôi sử dụng vào ban đêm, có khi tới 1-2 giờ sáng hôm sau. Những lúc trên xe đưa rước, lúc ăn cơm..., cứ rảnh tay là tôi dùng điện thoại", chị Hiền cho biết.

Sức khỏe thời 4.0: Ăn ngủ, đi vệ sinh cũng 'ôm' điện thoại - Ảnh 1.

Tranh thủ sử dụng điện thoại mọi lúc là thói quen của nhiều người hiện nay

Lê Cầm

Tương tự, anh H.V.T (32 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết mỗi ngày trung bình anh sử dụng điện thoại khoảng 6 tiếng, tập trung vào buổi trưa và tối.

"Ban ngày, trong tuần đi làm thì có máy tính nên tôi ít dùng điện thoại, nhưng giờ nghỉ trưa và buổi tối thì dùng nhiều hơn. Chỉ hôm nào mệt quá ngủ sớm tôi mới không dùng điện thoại", anh T. cho hay.

Thăm dò ý kiến

Một ngày, bạn sử dụng điện thoại bao lâu?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Cô N.T.H (55 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết từ khi cô được con gái chỉ cho cách sử dụng điện thoại và lập nick Facebook, cô thường lướt điện thoại nhiều hơn.

"Ban đầu cô chỉ lướt Facebook xem mọi người đăng cái gì, sau đó thì thấy nhiều clip đăng bán hàng hay nên coi, sau đó đến các video ngắn. Mỗi lần cầm điện thoại cô bị cuốn theo nên mất khá nhiều thời gian", cô H. cho hay.

Từ rảnh tay đến con nghiện điện thoại

Chị N.T.G (35 tuổi, ở quận 3, TP.HCM) cho biết, chị thường tan ca làm lúc 17 giờ, sau đó đón con trai 2 tuổi về nhà lo cơm nước. Tuy nhiên khi về nhà, bé thường quấn chân và nghịch đồ trong nhà nên chị hay mở tivi, điện thoại cho con chơi.

"Lúc 2 tuổi bé không đòi điện thoại, mình tự cho bé coi, lâu dần bé bị nghiện. Đến nay gần như ngày nào bé cũng đòi điện thoại, không cho là khóc ré", chị G. cho hay.

Sức khỏe thời 4.0: Ăn ngủ, đi vệ sinh cũng 'ôm' điện thoại - Ảnh 3.

Ngày càng có nhiều trẻ dùng các thiết bị di động

Ngọc Thắng

Đây cũng là tình cảnh mà gia đình anh Đăng Quang (32 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) gặp phải với con gái 4 tuổi. Bé rất nghiện xem điện thoại thường dán mắt vào sát màn hình. Mỗi lúc ăn cơm hay đi ngủ đều đòi điện thoại để coi.

"Hai vợ chồng tôi đều bận nên thường đưa điện thoại để bé tự ngồi chơi, lâu dần bé ghiền, thời gian sử dụng điện thoại cứ tăng dần từ 2 tiếng lên 3-4 tiếng mỗi ngày", anh Quang cho hay.

Nghiêm trọng hơn, vừa qua nam thanh niên P.M.Q (22 tuổi, Hà Nội) phải nhập viện Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, để điều trị vì dễ cáu gắt do nghiện trò chơi điện tử.

Đi ngủ là cầm điện thoại

Chị N.T.T (35 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, tối nào chị cũng cầm điện thoại khi đi ngủ, nếu điện thoại hết pin thì vừa sạc vừa dùng, dùng đến khi nào mỏi mắt thì mới ngủ.

"Thường hơn 22 giờ tôi đi ngủ, khi lên giường, tính cầm điện thoại chơi chút, tuy nhiên khi cầm vào điện thoại mở Facebook xem video, lướt lướt một hồi thấy gần 24 giờ, có khi xem ráng đến 1 giờ sáng mới ngủ", chị T. tâm sự.

Sức khỏe thời 4.0: Ăn - ngủ - đi vệ sinh cũng 'ôm' điện thoại - Ảnh 4.

Nhiều người trước khi ngủ thường "ôm" điện thoại vài tiếng

SHUTTERSTOCK

Tương tự anh N.V.H (30 tuổi, ở Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết anh thường thức tới 1-2 giờ sáng mới ngủ. Anh ở một mình nên buổi tối khá buồn, cầm điện thoại lướt Facebook, nhắn tin bạn bè, gọi điện thoại cho người yêu rồi xem phim, loay hoay là 1-2 giờ sáng.

"Sáng tôi ráng dậy đi làm, đến trưa công ty có chỗ ngủ trưa, tuy nhiên thường tôi chỉ nằm chơi điện thoại một lát, đến khi buồn ngủ mắt nhíu thì cũng đến giờ làm", anh H. cho hay.

Hay như chị C.Đ (19 tuổi, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết buổi tối chị thường sử dụng máy tính để học bài, sau đó đến 23 giờ đi ngủ nên cảm giác chưa được dùng điện thoại, muốn xem thử có ai nhắn gì cho mình không.

"Thực tế thì cũng không có ai liên lạc gì cần thiết nhưng tôi vẫn có thói quen dùng điện thoại để xem video ngắn, lướt Facebook, Tiktok, không có điện thoại, đi ngủ cứ thấy thiếu thiếu", chị Đ. chia sẻ. (Còn tiếp)

Theo Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), một số câu hỏi tầm soát giúp phụ huynh "gỡ rối" thắc mắc liệu con có "nghiện điện thoại" không như:

- Trẻ có trở nên tức giận, cáu kỉnh, lo lắng hoặc thậm chí là gây hấn khi điện thoại bị người thân lấy đi hoặc không thể sử dụng không?

- Trẻ có từ chối hoặc né tránh các sự kiện xã hội hoặc các hoạt động ngoại khóa chỉ để tranh thủ sử dụng điện thoại không?

- Việc sử dụng điện thoại thông minh có ảnh hưởng tiêu cực đến việc vệ sinh cá nhân, tình bạn, mối quan hệ gia đình hoặc học tập của trẻ hay không?

- Việc sử dụng điện thoại thông minh có ảnh hưởng đến thói quen ngủ của con không?

- Có bất kỳ thay đổi lớn nào trong tâm trạng của con mà không có cách nào khác để giải thích không?

- Có bất kỳ thay đổi lớn nào trong thói quen ăn uống của con mà không có cách nào khác để giải thích không?

Nếu kết quả đa số là "có" và tình trạng nghiện điện thoại ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hằng ngày của trẻ, phụ huynh cần cân nhắc là tìm đến các cơ sở tâm lý để có sự can thiệp chuyên môn kịp thời. Nếu đa số các câu trả lời là "không", việc hướng dẫn và giúp đỡ trẻ điều chỉnh thời gian phù hợp cũng là điều vô cùng thiết yếu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.