2 ca mổ ngoạn mục cứu cả mẹ lẫn con an toàn, khỏe mạnh

23/07/2019 04:06 GMT+7

Khám thai ở tuần thứ 33 thai kỳ, huyết áp một bên của sản phụ không đo được. Các bác sĩ sản nghi sản phụ bị bệnh lý động mạch chủ cấp tính nên đã chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Động mạch chủ rách thành hai lòng ống

Sản phụ N.T.Đ (33 tuổi, tạm trú Q.7, TP.HCM, quê Tiền Giang), mang thai con đầu lòng. Trong thời gian mang thai, chị xuất hiện những triệu chứng mệt, khó thở. Ban đầu, sản phụ nghĩ mệt do “thai hành”. Thai kỳ càng lớn, các triệu chứng trên càng nặng và có lúc chị ngất xỉu.
Vào tuần thứ 33 của thai kỳ, sản phụ khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thì huyết áp một bên không đo được. Các bác sĩ nghi chị Đ. bị bệnh lý động mạch chủ cấp tính nên chuyển viện sang Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM), có cả chuyên khoa tim mạch và sản để điều trị.
Tại BV ĐHYD, qua thăm khám và xét nghiệm, hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ bị bóc tách động mạch chủ ngực, phình gốc động mạch chủ, hở van động mạch chủ nặng và hội chứng Marfan. Vì vậy, sản phụ được yêu cầu nhập viện khẩn cấp vì tình trạng bệnh rất nguy hiểm.
“Động mạch chủ là mạch máu chính dẫn máu đi nuôi cơ thể (chia thành các nhánh chính ở tim, đến não, các cơ quan dưới bụng). Bệnh nhân bị rách mạch máu ngay sau van động mạch chủ. Thành mạch máu có 3 lớp thì mạch máu của bệnh nhân đã rách 1,5 lớp. Đoạn động mạch chủ bị rách (bóc tách) kéo dài từ van động mạch chủ xuống tận đùi, tạo thành hai lòng ống động mạch chủ”, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐHYD, giải thích tình trạng của bệnh nhân.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc BV ĐHYD, Giám đốc Trung tâm tim mạch: Động mạch chủ bị bóc tách tạo thành 2 lòng ống khiến máu không chảy trong mạch máu chính mà chảy trong phần ống động mạch “ảo” bị lóc ra; gây thiếu máu ở các cơ quan, trong đó có mạch máu đến tử cung nuôi thai nhi. Mặt khác, thành mạch máu gồm 3 lớp mà bị bóc tách 1,5 lớp khiến thành mạch máu mỏng nên có thể vỡ động mạch bất cứ lúc nào, gây tử vong cho sản phụ.
Về mặt sản khoa, tiến sĩ - bác sĩ Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản, BV ĐHYD, cho biết: “Thai nhi chỉ mới 33 tuần (non tháng) và lại chậm tăng trưởng mạn tính kéo dài, suy đoán do tình trạng mạch máu của mẹ không dẫn đủ máu đến nuôi thai. Thế nên, em bé được mổ bắt ra sẽ khó khăn trong thích nghi với cuộc sống sau sinh. Tuy nhiên, lại không thể chờ để em bé được nuôi dưỡng trong bụng mẹ thêm 1 ngày vì với tình trạng của người mẹ, nếu không mổ lấy thai thì những biến chứng của bóc tách động mạch chủ có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng người mẹ, như vậy cũng không thể an toàn cho thai nhi”.

Hai ca mổ ngoạn mục

Trước tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân, các bác sĩ đã lập tức hội chẩn các chuyên khoa trong bệnh viện, với sự chủ trì của phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc BV ĐHYD.

Sản phụ đã phục hồi sức khỏe sau 20 ngày phẫu thuật cám ơn bác sĩ

Nguyên Mi

Các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai ra trước rồi sau đó tiến hành phẫu thuật động mạch chủ cho người mẹ. “Khi mổ lấy thai cũng rất nguy hiểm vì trong quá trình mổ sẽ gây một tác động lớn lên người mẹ, huyết áp có thể thay đổi lên xuống, động mạch chủ có thể vỡ ra ngay trong lúc mổ”, bác sĩ Định đánh giá thêm.
Vì vậy, ca mổ lấy thai cho sản phụ Đ. được thực hiện ngay tại phòng mổ tim mạch, với sự sẵn sàng của ê kíp các chuyên gia, bác sĩ tim mạch để can thiệp phẫu thuật ngay lập tức trong trường hợp bệnh nhân bị vỡ mạch máu trong lúc lấy em bé.
Các bác sĩ đã đón em bé gái (nặng 1,8 kg) chào đời thành công, khỏe mạnh. Người mẹ không phải can thiệp tim mạch trong ca mổ lấy thai. Sản phụ được cầm máu sau sinh, chăm sóc ổn định sức khỏe trong hai ngày, sau đó tiếp tục được phẫu thuật tim mạch.
Sản phụ đã được các bác sĩ thực hiện một ca mổ lớn, phải cho ngưng tim, hạ thân nhiệt để bảo vệ não, tuần hoàn ngoài cơ thể. Hai cuộc mổ được thực hiện cùng lúc để thay van và gốc động mạch chủ cho bệnh nhân; đồng thời, thay quai động mạch chủ, đặt stent graft (một ống dẫn phía trong động mạch bị bóc tách - PV) động mạch chủ xuống dài 20 cm.
Sau 8 giờ thực hiện, ca phẫu thuật thành công.
Hiện nay (ngày 22.7), sau hơn 20 ngày phẫu thuật, sản phụ đã phục hồi sức khỏe. Em bé cũng khỏe mạnh và phát triển tốt.
Bác sĩ Bình đánh giá ca bệnh được điều trị thành công, mẹ tròn con vuông nhờ bệnh viện đa chuyên khoa, có cả sản khoa và tim mạch. Đặc biệt, đạt trình độ chuyên môn sâu, kỹ thuật cao trong phẫu thuật tim mạch, mổ tim hở, phụ sản, gây mê... Các chuyên khoa có sự phối hợp chặt chẽ.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, BV ĐHYD: Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết, khiến kết nối cơ quan và các cấu trúc khác trong cơ thể lỏng lẻo. Hội chứng Marfan thường ảnh hưởng nhất đến tim, mạch máu, mắt và xương.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng rối loạn này bao gồm cao và cao lêu nghêu, khớp lỏng lẻo, bàn chân lớn và phẳng, các ngón tay dài và không cân đối. Với tim mạch, người bị hội chứng Marfan có thể có mô liên kết cơ tim, mạch máu yếu, lỏng lẻo, gây nguy cơ bóc tách mạch máu cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.