'Bác sĩ 91'

Duy Tính
Duy Tính
12/02/2021 08:07 GMT+7

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), được mọi người đặt biệt danh “bác sĩ 91” vì gắn liền với bệnh nhân nhiễm Covid-19 có số thứ tự 91 tại Việt Nam.

Bệnh nhân số 91 đó là S.C, 42 tuổi, phi công người Anh. Ông là ca dương tính Covid-19 đầu tiên trong “ổ dịch” lớn thứ hai ở TP.HCM - quán bar Buddha (Q.2, TP.HCM). Ổ dịch này sau đó khiến hàng chục người mắc Covid-19 và hàng trăm người phải cách ly.

Chiến thắng “thần chết”

Từ ngày 18.3 - 21.5, phi công người Anh được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng thập tử nhất sinh. Báo chí gần như đưa tin hằng ngày về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này. Từ ngày 22.5, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy với mục đích ghép phổi để giữ mạng sống. Từ đó đến ngày khỏi bệnh xuất viện (ngày 11.7), bác sĩ Trần Thanh Linh với bệnh nhân 91 như hình với bóng, vì ông được phân công điều trị chính. Và cũng từ đó, bác sĩ Linh được đồng nghiệp và mọi người gọi là “bác sĩ 91”.
Bác sĩ Trần Thanh Linh ẢNH: DUY TÍNH

Bác sĩ Trần Thanh Linh

ẢNH: DUY TÍNH

“Ngày 22.5, bệnh nhân 91 đến Bệnh viện Chợ Rẫy với tổn thương 80% phổi, yếu liệt cơ toàn thân, phụ thuộc hoàn toàn ECMO (kỹ thuật thay thế tim phổi tạm thời để tim phổi nghỉ ngơi), máy thở, lọc máu liên tục. Mục tiêu chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Chợ Rẫy là điều trị nhiễm trùng và lên phương án ghép phổi. Chúng tôi ban đầu thật sự không dám tin bệnh nhân 91 sẽ sống. Mỗi lần giảm các chỉ số ECMO, thay ống mở khí quản thì nhịp tim bệnh nhân rớt nhanh. Thật sự những lúc đó nhịp tim của chúng tôi cũng muốn rớt theo”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Không chỉ tham gia điều trị bệnh nhân số 91, dập dịch ở TP.HCM, khi làn sóng dịch thứ 2 xảy ra mà tâm dịch là Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh và nhiều đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy đã tự nguyện cùng nhau ra tuyến đầu...
Tuy nhiên, với những nỗ lực hết mình của tập thể thầy thuốc điều trị, thể trạng bệnh nhân hồi phục bất ngờ, thậm chí dự định ghép phổi trước đó cũng không cần thực hiện. “Cai được ECMO đã rất khó khăn, rút được ống thở càng khó khăn hơn. Bù lại ngày rút ống thở anh ấy đã cho chúng tôi lời cảm ơn đầu tiên, và nói “fantastic” (tuyệt vời)”, bác sĩ Linh nhớ lại và tự hào: khi bệnh nhân nói như vậy thì điều đó còn trên cả tuyệt vời sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhân viên y tế...
Trong những ngày bệnh nhân 91 ở Bệnh viện Chợ Rẫy, trên truyền thông xuất hiện hình ảnh bác sĩ Linh cạo râu cho bệnh nhân người Anh này. Nói về hành động đẹp này, bác sĩ Linh tâm sự: “Nếu đã là bác sĩ hay điều dưỡng, thì với chúng tôi, người bệnh luôn là trọng tâm; thậm chí ngay cả chuyện vệ sinh cá nhân hay đổ bỏ chất thải của bệnh nhân mình vẫn phải làm giúp họ. Bởi người bệnh khi đó cần mình”.

Cảm ơn Việt Nam tận đáy lòng

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, bệnh nhân phi công người Anh là người rất ít nói, nhưng ngày xuất viện ông nói khá nhiều. Ông cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn Việt Nam đã tận tình chăm sóc, và nói rất vui khi được trở về nhà nhưng rất buồn khi phải xa đội ngũ y bác sĩ đã chăm sóc ông trong thời gian dài. “Bệnh nhân nói cảm ơn Việt Nam tận đáy lòng”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Trong ngày bệnh nhân 91 xuất viện, ông Ian Gibbons, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, đã chia sẻ rằng không riêng bệnh nhân này mà có rất nhiều công dân Anh được ngành y tế Việt Nam quan tâm chu đáo trong việc cách ly, điều trị. “Họ đều tỏ lòng biết ơn Việt Nam”, ông Ian Gibbons bày tỏ.
Sự thành công của Việt Nam trong việc cứu chữa phi công người Anh cũng khiến thế giới khâm phục. Bác sĩ Drew Posey, đại diện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, gửi thư điện tử đến Bệnh viện Chợ Rẫy để chúc mừng: “… Giữa rất nhiều tin tức không vui về tình hình đại dịch, thật tuyệt vời khi thấy Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được sự chú ý tích cực của báo chí quốc tế như vậy!”. Bức thư này cũng được đăng trên tờ The New York Times (Mỹ) vào ngày 11.7.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.