Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM:
Bệnh tim mạch là bệnh lý ở tim và mạch máu như mạch máu não, ngực, bụng… Trong đó, xơ vữa mạch máu là sự tích tụ mỡ, cholesterol trong thành mạch máu gây hẹp lòng mạch, xơ cứng mạch máu, giảm, tắc nghẽn lưu thông máu gây tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh là: trong gia đình có người bị mắc bệnh tim, cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao; lối sống ít vận động; béo phì hay hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Vì vậy, mọi người nên giữ cân nặng ổn định, tránh béo phì, béo bụng, ăn vừa đủ lượng thức ăn trong ngày, không ăn quá thừa năng lượng. Để cơ thể khỏe mạnh, cần duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức bình thường 18,5 - 25. Đối với nữ, cần giữ vòng bụng dưới 80 cm; nam vòng bụng dưới 90 cm.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với người bị bệnh tim mạch cũng như trong phòng ngừa bệnh lý tim mạch.
Trong chế độ ăn, mọi người nên dùng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu ô liu thay cho mỡ động vật; tránh dùng phủ tạng động vật như gan, tim, bầu dục…; hạn chế và tránh ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thay bằng luộc hấp.
Nên ăn cá 4 lần trong tuần và thịt gia cầm (nhớ bỏ da), giảm lượng thịt đỏ như thịt bò, heo, cừu…
Ăn nhiều đậu nành và các loại ngũ cốc nguyên vỏ, ăn nhiều rau củ quả tươi. Chọn rau quả chứa nhiều kali như hoa quả khô, chuối…
Nên uống sữa ít kem, sữa chua không đường.
Hạn chế ăn uống nhiều đường như: chè, bánh ngọt, nước ngọt.
Hạn chế rượu, bia, nước trà đặc.
Kiêng dùng thức ăn có vị cay.
Bên cạnh đó, cũng cần kiểm soát lượng muối, bằng cách:
Chỉ ăn dưới 5 gr muối/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê gạt).
Chọn thực phẩm chế biến sẵn có ít muối và đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi sử dụng để hạn chế các loại thực phẩm chứa hàm lượng natri cao.
Rửa bớt muối trong thực phẩm chế biến sẵn như các loại khô, dưa muối.
Nấu ăn tại nhà, hạn chế ăn tiệm, nhà hàng…, nên ăn ít nước xốt.
Chỉ nêm ít muối trong nấu nướng, đặc biệt, hạn chế nêm bột ngọt, bột nêm.
Không nên ăn thực phẩm quá mặn (như khô, mắm, chao, dưa muối); không nên để muối trên bàn ăn hay chấm muối khi ăn trái cây.
Đối với người bệnh suy tim thì lượng muối tiêu thụ chỉ khoảng 2 -3 gr natri/ngày, nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Mặt khác, để phòng ngừa bệnh tim mạch, mọi người nên vận động, tập thể dục. Bạn nên tập thể dục 3 - 4 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 20 - 30 phút như đi nhanh, chạy bộ, đi xe đạp, thể dục nhịp điệu, tập tạ… Khi tập nên chú ý: khởi động làm ấm cơ thể trước khi tập, làm tăng từ từ nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, bắt đầu các động tác kéo căng, mức độ và cường độ thấp. Trường hợp đang tập nếu thấy đau ngực, khó thở, chóng mặt thì nên ngưng và hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị. Sau khi tập xong, nên thư giãn, nhịp tim và huyết áp trở về gần bình thường giúp cơ thể hồi phục tốt hơn.
Câu hỏi xin gửi về địa chỉ: suckhoeamthuc@thanhnien.vn
|
Bình luận (0)