Bạn vẫn có thể sống khỏe mà không cần đến các bộ phận cơ thể này

Thiên Lan
Thiên Lan
05/09/2019 10:23 GMT+7

Chúng chắc chắn làm cho cuộc sống thuận tiện hơn, nhưng cơ thể bạn vẫn có thể hoạt động mà không cần chúng, theo Reader’s Digest.

Một lá phổi

Bạn cần ít nhất một lá phổi để thở, nhưng cái kia có thể cắt bỏ nếu cần khi phải điều trị ung thư phổi, bệnh lao hoặc các bệnh phổi khác.
Một người vẫn có thể thở, tuy hơi khó hơn, khi cắt bỏ một lá phổi. Khi đó, bệnh nhân mất khoảng 35% thể tích không khí có thể thở trong một giây, theo một nghiên cứu trên tạp chí Hô hấp, theo Reader’s Digest.

Ruột già

Ruột già có thể được cắt bỏ để điều trị ung thư đại trực tràng hoặc bệnh đường ruột, viêm loét đại tràng, và bác sĩ có thể đưa trực tràng ra ngoài cùng với ruột già. Bệnh nhân có thể phải đi đại tiện nhiều hơn và thường cần thay đổi chế độ ăn uống để tránh tiêu chảy.

Cơ quan sinh sản

Mặc dù các cơ quan sinh sản có thể là một phần quan trọng trong đời sống lứa đôi, nhưng không phải là vấn đề sống còn.
Một nghiên cứu cho thấy phẫu thuật cắt bỏ tử cung không hề tác động tiêu cực đến đời sống vợ chồng của phụ nữ. Tuy nhiên, thay đổi nội tiết tố sau khi cắt bỏ buồng trứng có thể làm mất ham muốn.
Đối với nam giới, bỏ bớt một “viên bi” do ung thư tuyến tiền liệt có thể chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống lứa đôi của họ, tiến sĩ Eric A. Klein, từ Bệnh viện Cleveland (Mỹ) tiết lộ.
Chỉ cần một “viên bi” là đã đủ để sản xuất testosterone cần cho ham muốn "chuyện yêu". Nếu mất cả "2 viên bi", ham muốn “chuyện ấy” sẽ giảm đáng kể và không thể sản xuất “tinh binh”, theo Reader’s Digest.
Nam giới thường bị rối loạn cương tạm thời và không tự chủ sau khi cắt bỏ tuyến tiền liệt, bác sĩ Klein nói.

Bọng đái

Bệnh nhân bị ung thư bàng quang hoặc có vấn đề với hệ thống thần kinh kiểm soát bàng quang, sẽ cần phải cắt bỏ bọng đái và các cơ quan sinh sản liên quan, tiến sĩ Georges-Pascal Haber, từ Phòng khám Cleveland (Mỹ), cho biết.

Túi mật

Gan tạo ra mật để phân hủy chất béo, đặc biệt khi ăn quá nhiều chất béo.
Nếu lỡ phải cắt bỏ túi mật, bệnh nhân phải tập quen với chế độ ăn kiêng và không cần mật nữa, bác sĩ Heimbach nói. Nếu không theo chế độ ăn kiêng có thể sẽ gặp khó khăn, theo Reader’s Digest.
Sỏi mật là lý do phổ biến nhất dẫn đến cắt bỏ túi mật.

Dạ dày

Trong trường hợp phẫu thuật giảm cân và ung thư dạ dày chưa di căn, bệnh nhân có thể bị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có thể ăn thức ăn đặc, nhưng cần ăn mỗi bữa ít hơn và tránh một số loại thực phẩm để tránh hội chứng dạ dày nhanh hết thức ăn - thức ăn nhanh chóng đi vào ruột non. Khi đó, sẽ cảm thấy xây xẩm, chóng mặt, đổ mồ hôi hoặc đầy hơi, đầy bụng hay đại tiện, tiến sĩ Abdullah Shatnawei, từ Phòng khám Cleveland (Mỹ) cho biết, theo Reader’s Digest.

Lá lách

Chức năng chính của lá lách là lọc máu, nhưng có thể cắt bỏ nếu bị hỏng hoặc bị bệnh như chứng rối loạn máu, xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát gây rối loạn đông máu.
Vì lách đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, bệnh nhân có nhiều nguy cơ bị bệnh hơn khi cắt bỏ nó. Tiến sĩ Heimbach cho biết bệnh nhân cắt bỏ lá lách cần phải được tiêm một số loại vắc xin vì họ sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng, theo Reader’s Digest.

Một quả thận

Mặc dù thận là cơ quan quan trọng, mọi người có thể hiến thận. Tại sao?
Hai quả thận thực sự đáp ứng hơi nhiều hơn nhu cầu cơ thể cần. Bạn vẫn có thể xử lý chất thải một cách hiệu quả chỉ với một quả thận, theo Reader’s Digest.
Chỉ cần người hiến có thận khỏe mạnh, họ sẽ giảm chức năng thận nhưng vẫn thừa sức để sống khỏe mạnh, bác sĩ Heimbach nói.

Ruột thừa

Chức năng của ruột thừa vẫn chưa rõ ràng. Nghiên cứu gần đây cho thấy nó có thể giữ an toàn cho vi khuẩn có lợi. Khi ruột già bị tắt nghẽn và bị nhiễm trùng, đôi khi phải cắt bỏ.
Cho dù đóng vai trò trong khả năng miễn dịch, việc cắt bỏ ruột thừa vẫn không hề ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.