Bệnh tay chân miệng tăng mạnh, có trẻ bệnh cấp độ 4, phải thở máy, lọc máu

An Dy
An Dy
03/04/2021 06:54 GMT+7

Ngày 2.4, Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ) cho biết những ngày qua đã liên tục tiếp nhận các ca bệnh tay chân miệng tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành miền Trung, đặc biệt gia tăng cấp độ so với cùng kỳ.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa y học nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết thời điểm hiện tại đang là cao điểm của mùa bệnh tay chân miệng. Theo đó, bệnh tay chân miệng thường gia tăng vào 2 thời điểm trong năm, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12, với đối tượng là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bác sĩ Thịnh cho biết, về số liệu đối chứng so với cùng kỳ năm ngoái của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, thì năm nay bệnh tăng đến hơn 70%. Bác sĩ Thịnh cũng lý giải thời điểm này năm 2020 đang thực hiện cách ly xã hội do dịch Covid-19, hạn chế giao tiếp nên các ca bệnh truyền nhiễm đều thấp.
Tuy nhiên, năm nay, các ca bệnh tay chân miệng đều gia tăng cấp độ, nhiều ca khi được đưa đến bệnh viện đã ở cấp độ 2, độ 3, liên quan đến các vấn đề dịch tễ. Thậm chí có ca khi được chuyển viện từ các tỉnh thành lân cận về thì bệnh đã ở cấp độ 4, phải hồi sức tích cực...

Bệnh nhi cấp độ 4 phải thở máy, lọc máu

BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi là V.Q.T (3 tuổi, H.Tiên Phước, Quảng Nam). Bệnh nhi nhiễm bệnh tay chân miệng và nhận biết khi họng viêm và xuất hiện các nốt phỏng nước. Bệnh nhi được chuyển viện đến BV trong tình trạng suy hô hấp phải dùng thuốc vận mạch, phải thở máy và áp dụng phác đồ tay chân miệng cấp độ 4 và được tiến hành lọc máu...
Một bệnh nhi khác là N.B.Đ.K (3 tuổi, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng nhập viện sau khi nổi những nốt phỏng nước ở miệng và sốt cao liên tục. Ngay khi nhập viện cấp cứu tại BV, bệnh nhi được chuyển điều trị hồi sức tích cực, lọc máu nhiều ngày liền.
Hiện tại, tại Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), số bệnh nhi nội trú điều trị tay chân miệng ở cấp độ 2, cấp độ 3, duy trì tầm 50-80 ca bệnh mỗi ngày.
Riêng từ đầu tháng 3 đến nay, tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận và điều trị nội trú cho gần 300 ca bệnh tay chân miệng tại Đà Nẵng và các tỉnh thành miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi... Ngoài ra, còn có số lượng lớn bệnh nhi tay chân miệng cấp độ 1, không sốt, không có triệu chứng liên quan đến thần kinh sẽ được hướng dẫn điều trị ngoại trú tại nhà.
“Ở cấp độ 1 thì sẽ hướng dẫn bố mẹ chú ý dinh dưỡng, hạ sốt... Theo dõi khi trẻ có các triệu chứng về thần kinh như giật mình, bứt rứt, li bì, đi loạng choạng, run chân tay, khó thở... là đang theo dõi chuyển cấp độ nặng phải đưa đến bệnh viện kịp thời”, bác sĩ Thịnh nói.
Khi trẻ có biểu hiện giật mình, bứt rứt, chân tay run, thì những trường hợp này bắt đầu xuất hiện biến chứng thần kinh, là khi virus tấn công vào thân não, gây rối loạn hô hấp, chuyển cấp độ nặng và suy hô hấp. Với tay chân miệng cấp độ 3 và 4 thì phải được theo dõi tích cực tại BV theo phác đồ, kiểm soát suy hô hấp, ngưng thở...

Bảo vệ trẻ trong mùa cao điểm bệnh

Theo tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay khi thấy có các triệu chứng như bóng nước hoặc vết loét trong niêm mạc miệng, thường biểu hiện bằng khó khăn khi nuốt, bú ít, chảy nước bọt. Nhiều bóng nước hoặc mụn bọc đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, cùi chỏ, gối. Có thể không sốt hoặc có sốt kèm theo.
Trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế tuyến trên khi sốt cao liên tục (trên hoặc bằng 39,5 độ C); trẻ có biểu hiện về thần kinh hốt hoảng, giật mình, chới với, cảm giác mất thăng, bằng run chi, đứng không vững; trẻ rối loạn tiêu hóa, nôn ói, tiêu chảy; trẻ rối loạn về tim mạch, da nổi bông vân tím, mạch nhanh...
Theo bác sĩ Thịnh, trẻ cần được bảo vệ trong mùa cao điểm bệnh tay chân miệng để tránh các biến chứng nguy hiểm. Đó là những biến chứng khó phục hồi như viêm màng não, viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, diễn tiến bệnh rất nhanh và gây tử vong cao, có thể trong vòng 24 giờ.
Hiện tại, cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả là vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy (với cả người lớn và trẻ em), đặc biệt vào các thời điểm trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thường xuyên lau sạch bề mặt tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bằng mặt bàn ghế, sàn nhà.
“Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần thông báo với trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn cách phòng lây bệnh cho gia đình và cộng đồng. Cho trẻ nghỉ học ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và hạn chế tiếp xúc với trẻ khác. Chỉ cho trẻ đến lớp khi đã hết loét miệng và phỏng nước”, bác sĩ Thịnh khuyến cáo thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.