Bệnh viện quá tải, cấp cứu cũng phải... chờ phòng

Duy Tính
Duy Tính
14/08/2018 08:01 GMT+7

Thực trạng này đang xảy ra ở nhiều bệnh viện tuyến trên, trong đó có bệnh viện khám tới 8.000 bệnh nhân/ngày và đây là điều mà theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là “không thể chấp nhận”.

Ngày 13.8, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đến làm việc tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Đại học Y Dược TP.HCM liên quan đến công tác khám, chữa bệnh.
Tại 2 BV này, Bộ trưởng đã “phỏng vấn” nhiều bệnh nhân và đều nhận được câu trả lời là chấp nhận không sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) để lên tuyến trên, do không tin tuyến dưới hoặc không biết tuyến dưới điều trị được. Tuy nhiên, lên tuyến trên lại phải chờ đợi khám bệnh quá lâu.
Xây mới, mở rộng cũng quá tải
Theo báo cáo từ BV Đại học Y Dược, hiện BV đang quá tải cả nội trú lẫn ngoại trú, cấp cứu. Mỗi ngày BV khám ngoại trú, tư vấn cho khoảng 8.000 - 8.500 lượt bệnh nhân, trong đó 90% bệnh nhân không sử dụng BHYT. Về nội trú, BV có 1.000 giường bệnh (cơ sở 1 có 900 giường, cơ sở 2 có 65 giường và cơ sở 3 là 35 giường) nhưng lượng bệnh nhân lúc nào cũng vượt lên 104% và 80% bệnh nhân nội trú có sử dụng BHYT.
Do quá tải nên khi cấp cứu dù người bệnh có chỉ định nhập viện nhưng phải chờ có phòng mới nhập; khu vực phòng mổ bệnh nhân sau khi hồi tỉnh cũng phải chờ có người xuất viện mới được nhập vào.
Đáng lưu ý, mỗi ngày khoa cấp cứu phải chuyển viện 15 - 20 người do hết giường bệnh. “BV còn rất nhiều chuyên khoa, đề án nâng cao chất lượng cần mở rộng nhưng không có đất. Nhưng dù có xây thì chắc chắn vẫn sẽ quá tải”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược, nói.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cũng cho biết 6 tháng đầu năm 2018 BV tiếp nhận khám, cấp cứu 755.000 bệnh nhân, trung bình một ngày có 5.500 bệnh nhân đến khám, cấp cứu, gần 50% bệnh nhân không sử dụng hoặc không có BHYT. Về nội trú, mỗi ngày có hơn 2.700 trường hợp nằm viện, hơn 76% bệnh nhân sử dụng BHYT. Do BV quá tải nên đã có nhiều BV vệ tinh và hợp tác với 13 BV, chuyển gần 7.000 bệnh nhân trong 6 tháng qua.
Chuyển bệnh nhân về lại tuyến dưới
“Ở các BV tuyến trên bệnh nhân ngoại trú quá đông nên phải chờ đợi lâu đến 4 tiếng đồng hồ mới được khám, đó là trở ngại khó khăn, mặc dù các BV ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết được nhanh. Cần phải thay đổi việc này vì hơn một nửa bệnh tuyến tỉnh khám được”, Bộ trưởng Y tế nói và nhấn mạnh sắp tới phải chuyển bớt bệnh nhân ngoại trú và nội trú về tuyến dưới, vì nhiều người chỉ khám đau đầu, chóng mặt, đái tháo đường typ 2 không biến chứng...
“Những người tái khám cùng phác đồ (tuyến dưới làm được) là truyến trên không nhận”, Bộ trưởng nhắc và lưu ý “Một đất nước văn minh không thể một BV mỗi ngày khám 8.000 bệnh nhân”. Vì vậy, BV Đại học Y Dược phải giảm bớt khám ngoại trú ở BV tuyến trên xuống dưới 4.000 lượt, tăng số cơ sở vệ tinh ở quận huyện, đồng thời đẩy nhanh xây dựng cơ sở 2, 3. BV Chợ Rẫy mỗi ngày khám ngoại trú chỉ hơn 4.000; không nằm ghép; phẫu thuật trong ngày; đẩy mạnh công nghệ thông tin...
“Trừ cấp cứu, còn những bệnh, kỹ thuật thông thường phải để tuyến dưới làm. Không thể để bệnh nhân lên tuyến trên gây quá tải và đầu tư tốn kém, trong khi cơ sở y tế tuyến dưới lại không được sử dụng, lãng phí. Cần có quy định dứt khoát những kỹ thuật nào điều trị tuyến dưới, kỹ thuật nào lên tuyến trên để làm rào cản. Nếu kỹ thuật thuộc tuyến dưới làm mà bệnh nhân lên tuyến trên thì BHYT sẽ không thanh toán”, Bộ trưởng Y tế nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, sắp tới bác sĩ của BV tuyến cuối, T.Ư sẽ về các trạm y tế để khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh mãn tính nhằm giảm tải BV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.