Hiện các bệnh nhân đang được cách ly điều trị. Ngoài ra, hiện có 85-90 bệnh nhân đang điều trị bệnh phụ nữ tại lầu 5 cũng đang được theo dõi.
“Các bệnh nhân sẽ được ra viện tuần tự trong hôm nay, ngày mai và sáng mốt. Khoa không nhận thêm bệnh nhân mới đến 12 giờ ngày 4.6”, bác sĩ Nhi nói. Bác sĩ Nhi cũng cho biết thêm là sẽ khử khuẩn toàn bộ khu vực Khoa nội soi khi các bệnh nhân xuất viện hết.
Trước đó, ngày 1.6, tại Khoa nội soi, nhiều bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý sản khoa thì xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau nhức người. Nguồn lây bệnh được xác định từ một bệnh nhân đến từ Tiền Giang.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết thêm: khi xuất hiện chùm ca sốt, ho tại BV Từ Dũ, BV Bệnh nhiệt đới đã cử chuyên gia sang hội chẩn, nghi ngờ cúm nên đã lấy bệnh phẩm phết mũi họng về làm xét nghiệm. Khoa xét nghiệm của BV đã tiến hành xét nghiệm khẩn ngay trong đêm 1.6 và đến sáng nay (2.6) kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) cho thấy có 16/18 mẫu dương tính cúm A/H1N1pdm (đây là chủng vi rút cúm gây đại dịch cúm năm 2009, nay đã trở thành chủng cúm mùa lưu hành).
“Khi có kết quả chúng tôi đã cử chuyên gia sang hội chẩn, hướng xử trí tiếp theo: cấp Tamiflu điều trị theo phác đồ Bộ Y tế cho các trường hợp có sốt và ho (1 viên x 2 mỗi ngày trong vòng 5 ngày), theo dõi tình trạng hô hấp. Cho đến hiện nay chỉ có sốt và ho khan, chưa phát hiện triệu chứmg bất thường”, TS-BS Châu nói.
BV Từ Dũ áp dụng biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây lan qua đường hô hấp: mang khẩu trang cho bệnh nhân, tập trung bệnh nhân vào khu vực riêng, hạn chế khách vào thăm viếng... Nhân viên y tế tuân thủ đúng quy định kiểm soát nhiễm khuẩn. Cả 2 BV củng đã có báo cáo cho Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng TP về chùm ca bệnh này.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A (H1N1) gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.
Vi rút cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.
Loại vi rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.
Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là: nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; phụ nữ mang thai; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.
|
10 biện pháp phòng chống cúm A
1.Cúm A (H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A (H1N1) gây ra.
2.Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm vi rút rồi đưa lên mũi, miệng.
3.Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh.
4.Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
5.Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
6.Học sinh, sinh viên và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương.
7.Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
8.Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
9.Học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân viên có biểu hiện cúm khi đang ở nhà trường thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
10.Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu.... Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
|
Bình luận (0)