Bị tai nạn chỉ đắp lá cho tự... lành, người đàn ông bị mất sức lao động

27/11/2019 10:43 GMT+7

Người đàn ông bị chấn thương không nghiêm trọng do tai nạn giao thông, có thể điều trị phục hồi. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn nên anh chỉ đắp lá, để… tự lành khiến cánh tay và cổ không thể cử động, mất sức lao động .

Chỉ đắp lá, khiến tay, cổ gần như liệt

Anh T.M.L (30 tuổi, người Chăm, ngụ Bình Thuận) bị tai nạn giao thông 3 năm về trước. Khi đó, anh bị gãy 1/3 xương đòn trái. Đây là chấn thương không quá nghiêm trọng và có thể điều trị phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, do gia đình nghèo, đông anh em, đời sống khó khăn nên anh L. đã không đến bệnh viện khám, điều trị.
Anh và ba mẹ đã lớn tuổi chỉ có nghề đào măng và phụ việc ở vườn thanh long để kiếm thu nhập. “Lúc đó, nhà kiếm đâu ra 6 triệu mà đi nhà thương nên chỉ đắp lá vô vết thương cho mau khỏi vậy thôi, rồi để chờ cho nó… tự lành”, anh L. kể.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD): Chấn thương không được điều trị lâu ngày khiến phần xương đòn bị gãy chêm hướng xuống và chèn ép vào phía trong lồng ngực, lâu dần gây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, dẫn đến cánh tay trái của anh L. không thể co duỗi - gần như bị liệt; cổ bị căng cơ không thể xoay trở và nói chuyện khó khăn. Mặt khác, xương ngón cái chân trái của bệnh nhân cũng bị di lệch, sụn hư và nham nhở khiến việc đi lại không dễ dàng.
Từ lao động chính trong gia đình, anh L. đã mất sức lao động, không thể làm việc bình thường được, cơ thể lại đau buốt khi trái gió trở trời.
Sau đó, ba của anh cũng bị tai nạn giao thông và mất khả năng lao động. Gánh nặng nuôi gia đình 7 người dồn ép lên mẹ và hai đứa em nhỏ của anh L., với thu nhập ngày cao nhất của cả nhà cho 7 miệng ăn chỉ 150.000 đồng.

Được điều trị nhờ chuyến khám bệnh từ thiện

Trong chuyến khám bệnh từ thiện của BV ĐHYD và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, vào cuối tháng 7.2019, các bác sĩ đã tình cờ thăm khám và phát hiện ra trường hợp bệnh của anh L.
Bệnh nhân được hỗ trợ đưa về bệnh viện thăm khám sâu hơn. Bệnh viện cũng vận động các mạnh thường quân tài trợ chi phí điều trị. Lần đầu tiên, anh đã đến TP.HCM để được chẩn đoán, làm các xét nghiệm cần thiết và sắp xếp phẫu thuật, điều trị phục hồi một phần chức năng.
Bệnh nhân đã nhập viện Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV ĐHYD TP.HCM và được phẫu thuật vào ngày 12.11, cắt đi đoạn xương đòn bị lệch đâm vào lồng ngực và cố định xương ngón cái chân trái bằng kim Kirschner.
Hiện nay, sau hơn 1 tuần phẫu thuật, anh L. đã phục hồi sức khỏe, cổ đã có thể xoay trở dễ dàng, nói chuyện không còn đau và khó khăn.
Bác sĩ Khanh đánh giá: “Mức độ phục hồi cánh tay trái của bệnh nhân còn phụ thuộc vào quá trình tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân sẽ tiếp theo sẽ được tập vật lý trị liệu để phục hồi các chức năng của cánh tay. Riêng chân trái của người bệnh nếu phục hồi nhanh, trong khoảng từ 3 - 12 tháng có thể thực hiện cuộc phẫu thuật tiếp theo để loại bỏ kim Kirschner”.
“Mổ xong thấy nó cười hoài luôn.”, “Nhìn ảnh tươi hẳn ra ha!”… là nhiều nhận xét của những người cùng phòng bệnh với anh L. “Em cũng không ngờ được vầy!”, anh L. xúc động cho biết. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.