Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 4.257 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 2,37 lần (tăng 1.795 ca) so với cùng kỳ năm 2018. Với tỉ lệ ca mắc SXH không ngừng tăng cao, Đà Nẵng hiện là địa phương có tỉ lệ ca mắc SXH đứng thứ 3 trong 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Hiện tại, ngành y tế Đà Nẵng đã ghi nhận và giám sát xử lý 435 ổ dịch, tăng 2,86 lần so với cùng kỳ 2018. Các quận ghi nhận số ca mắc cao là Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà đều trên 500 ca, tăng từ 1,65-3,36 lần.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, cho biết trước tình hình dịch SXH ở Đà Nẵng diễn biến phức tạp, địa phương đã tích cực ra quân tổng lực diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại 222 khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH.
Bệnh cạnh đó, ngành y tế cũng phối hợp với ngành giáo dục hoàn thành xử lý hóa chất diệt muỗi, chống bệnh SXH tại 439 cơ sở giáo dục trước khi bắt đầu năm học mới, các chợ, khu vực công cộng...
“Dù tỉ lệ mắc bệnh đã rất cao nhưng việc phòng chống SXH chưa được hiệu quả triệt để, người dân địa phương vẫn chưa chú trọng công tác phòng chống SXH là diệt bọ gậy. Đặc biệt, một số bộ phận người dân chưa có sự hợp tác tốt với ngành y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng”, ông Thạnh nói.
“Diệt muỗi, vệ sinh thông thoáng để người thân không mắc SXH”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng lãnh đạo ngành y tế TP.Đà Nẵng trực tiếp đến các ổ dịch trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng) kiểm tra thực tế các khu dân cư, chỉ đạo hoạt động phun thuốc, hóa chất diệt côn trùng.
|
“Ở miền Trung, hiện Đà Nẵng có số ca mắc SXH khá cao và nguy cơ rất là lớn vì thời tiết giao mùa. Vì vậy, ngành y tế thành phố bên cạnh chiến lược khống chế bệnh cần phải có nhiều giải pháp vận động người dân ngăn chặn SXH một cách cụ thể nhất, đó là không có muỗi, không có lăng quăng, bọ gậy sẽ không có SXH. Chứ cứ nói sợ SXH mà không chủ động vệ sinh quanh nhà, trong nhà để ngăn muỗi thì làm sao ngăn muỗi được”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Cũng theo Bộ trưởng Y tế, người dân phải có kiến thức về sức khỏe để khi phát hiện người thân có dấu hiệu SXH, đối mặt với bệnh thì phải đến ngay cơ sở y tế theo dõi, không nhất thiết phải đến các bệnh viện lớn để tránh quá tải, tránh lây chéo các bệnh không cần thiết hiện nay như tay chân miệng, viêm màng não…
“Nên xét nghiệm, phát hiện sớm để điều trị. Bởi vì phát hiện càng trễ thì tỉ lệ tử vong càng cao. Nhưng tốt nhất là làm sạch môi trường để không có muỗi, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để dịch tấn công người thân của mình. Diệt muỗi, vệ sinh thông thoáng để người thân không mắc SXH”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Bình luận (0)