BV Đà Nẵng ghép nối thành công bàn tay bị đứt lìa cho bệnh nhân

21/02/2018 09:34 GMT+7

Bệnh viện Đà Nẵng ngày 20.2 cho biết trong những ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, bệnh viện đã phẫu thuật nối ghép và điều trị thành công một ca đứt lìa bàn tay do vết chém.

Vào khoảng 4 giờ ngày 9.2, anh T.V.T (27 tuổi, ngụ tại Quảng Ngãi) được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng đứt lìa bàn tay trái, phần tay đứt lìa được bảo quản trong đá lạnh. Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhân bị nạn vào lúc 1 giờ sáng cùng ngày.

Bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa và xét nghiệm trong vòng 30 phút, sau đó được phẫu thuật cắt ghép suốt hơn 6 tiếng đồng hồ để cố định xương, nối tái lập tuần hoàn máu, nối gân và vi phẫu thần kinh.

Sau theo dõi tích cực hơn 10 ngày, kèm chiếu đèn hồng ngoại tăng lưu thông máu, hiện bàn tay được nối đã đáp ứng tốt quá trình điều trị, không nhiễm trùng, hết viêm và phù nề, hồi lưu máu tốt, có phản xạ để tiến đến tập phục hồi chức năng. 

Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Khoa Bỏng tạo hình (Bệnh viện Đà Nẵng), người trực tiếp tham gia phẫu thuật, đưa ra khuyến cáo đối với những tai nạn bị đứt lìa tứ chi, đứt lìa bộ phận cơ thể, đó là bảo quản phần đứt lìa đúng cách. “Trong trường hợp gần những bệnh viện lớn có khả năng nối chi thì ngay lập tức bọc trong khăn sạch chuyển đến bệnh viện nhanh nhất có thể. Nếu ở xa bệnh viện thì rửa sạch, bọc trong khăn sạch, bỏ vào túi ni lông buộc kín rồi bỏ vào nước mát có ướp đá lạnh chứ không ngâm trực tiếp vào đá lạnh gây bỏng lạnh, dẫn đến hoại tử mô. Và thời gian vàng để ghép nối phần đứt lìa thành công là 6-8 tiếng”, bác sĩ Khánh cho biết.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật nối ghép chi, nối ghép các bộ phận cơ thể đứt lìa trong suốt hơn 10 năm qua, với tỉ lệ thành công và phục hồi lên đến hơn 90%.

Đặc biệt, hiện tại, bệnh viện đã hình thành một ê kíp bác sĩ trẻ, nghiệp vụ cao, của 2 Khoa Ngoại chấn thương và Khoa Ngoại bỏng tạo hình, hoạt động 24/24 bất kể lễ tết, bất kể trong hay ngoài ca trực. Họ có mặt chỉ sau tín hiệu triệu tập không quá 10 phút, để sẵn sàng bước vào phòng phẫu thuật, đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu, điều trị và phục hồi cho bệnh nhân. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.