Sụn chêm nằm ở khớp gối, giữa xương đùi và xương cẳng chân. Sụn có chức năng giúp giảm sốc khi vận động và tăng cường sức mạnh cho khớp gối. Do đó, cảm giác đau, cứng, khó co duỗi đầu gối có thể là do rách sụn chêm gây ra, The Healthy dẫn lời bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ James Starman.
Mỗi khớp gối có 2 đĩa sụn chêm hình chữ C có tác dụng giảm chấn động và ổn định khớp. Nếu sụn chêm bị tổn thương thì sụn lót của xương đùi, xương bánh chè và xương cẳng chân sẽ chịu áp lực lớn.
Rách sụn chêm thường được chia làm 2 loại. Loại thứ nhất do chấn thương khi vận động hay chơi thể thao. Các tác động tiêu cực của rách sụn chêm có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến khớp gối.
Loại thứ hai là do hậu quả của viêm khớp hoặc thoái hóa khớp gối. Các vết rách ở sụn chêm tiến triển một cách từ từ. Đến lúc nào đó, cơn đau đầu gối sẽ xuất hiện đột ngột.
|
Triệu chứng đầu tiên của rách sụn chêm là sưng khớp, cảm giác đau và nghe tiếng lụp cụp khi co duỗi đầu gối. Tuy nhiên, một số vết rách sụn chêm khó phát hiện vì ít hoặc thậm chí không gây đau.
Những kiểu đau đầu gối thường gặp khi bị rách sụn chêm là đau khi xoay khớp gối, ngồi xổm, chạy hay đi bộ. Trong trường hợp nghiêm trọng, rách sụn chêm có thể khiến đầu gối bị cứng đến mức không thể co duỗi, nếu co duỗi sẽ rất đau.
Khi nghi ngờ bị rách sụn chêm, người mắc phải ngưng lại mọi hoạt động tập luyện thể thao và tìm đến bác sĩ kiểm tra ngay.
Trong hầu hết trường hợp, rách sụn chêm không cần phải phẫu thuật. Bác sĩ có thể điều trị hiệu quả bằng cách dùng các loại thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu, nghỉ ngơi, đôi khi được tiêm thuốc cortisone để giảm đau và viêm. Thời gian để phục hồi khi bị rách sụn chêm là khoảng 6 tuần, theo The Healthy.
Bình luận (0)