|
Ở trẻ sơ sinh, trong vòng 3 đến 5 ngày sau sinh thì hồng cầu thai nhi vỡ sinh ra sắc tố vàng làm trẻ bị vàng da. Nhiều trường hợp sẽ tự hết sau 7 đến 10 ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Võ Đức Trí, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phụ huynh không nên chủ quan khi thấy trẻ bị vàng da. Đã có rất nhiều phụ huynh nghĩ vàng da ở trẻ sơ sinh là bình thường và sẽ tự hết. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày chưa hết họ mới đưa trẻ đi khám.
“Lúc này, có những trẻ đã trong tình trạng nặng tổn thương nhân xám, bại não. Cũng không loại trừ nhiều trường hợp do giới hạn sinh lý và bệnh lý của vàng da không rõ ràng nên cha mẹ khó nhận biết”, bác sĩ Trí cho biết.
Đối với vàng da bệnh lý thì mức độ hồng cầu bị vỡ nhiều hơn. Ở những trẻ bị xuất huyết ở bụng, não, hoặc trẻ tăng chu trình ruột gan, thiếu men, bất đồng nhóm máu mẹ con sẽ làm mức độ vàng da nặng nề hơn.
Nếu vàng da xuất hiện ngày thứ nhất, hai sau sinh thì diễn tiến thường nhanh và trẻ dễ lâm vào tình trạng nặng. Có những trẻ ngày đầu mới vàng ở mặt nhưng đến ngày sau đã vàng qua bàn chân, bàn tay.
Bệnh vàng da ở trẻ nếu để quá một tuần sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ, dễ gây ra các biến chứng do chất bilirubin tăng xâm nhập vào nhân xám não làm tổn thương não dẫn tới nguy cơ tàn tật, bại não ở trẻ. Do vậy, với vàng da sơ sinh nếu can thiệp trước khi tổn thương não thì bé sẽ hồi phục sức khỏe nhanh.
Theo dõi chặt chẽ hằng ngày
Bác sĩ Trí dẫn một trường hợp bé 6 ngày tuổi (nhà ở TP.HCM) bị vàng da khắp vùng bụng ra phía cẳng chân, tay. Khi trẻ nhập viện đã gồng cứng, co giật do biến chứng bệnh vàng da gây ra tổn thương não. Khi khai thác bệnh sử phụ huynh mới cho biết do không phát hiện trẻ bị vàng da nên khi xảy ra biến chứng mới đưa trẻ đi bệnh viện.
Do đó, bác sĩ Trí lưu ý, việc phát hiện vàng da sớm ở trẻ sơ sinh sẽ giúp hạn chế nhiều biến chứng của bệnh, cần theo dõi vàng da hằng ngày khi trẻ vừa sinh ra.
Phụ huynh cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ nên khó thấy, nên khi ấn vào sẽ thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.
“Bệnh lý vàng da sẽ nặng dần theo phạm vi ảnh hưởng lên cơ thể trẻ. Cụ thể, nếu trẻ bị vùng đầu mặt cổ thì tình trạng nhẹ hơn còn nếu vàng da đến rốn, qua rốn hay vàng đến cả bàn chân, tay thì trẻ đã bị vàng da rất nặng. Có những trường hợp vàng da kèm sốt, lừ đừ, co giật, gồng cứng… và nặng nhất là trẻ sẽ tử vong”, bác sĩ Trí nói.
Nhiều cha mẹ tự tắm nắng để chữa vàng da cho con bằng cách che phần đầu đến cổ của bé và để phần ngực bụng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên cách làm này theo bác sĩ Trí là ít hiệu quả. Cách tốt nhất là đưa trẻ đến bệnh viện để được nhân viên y tế theo dõi chiếu đèn cho trẻ.
Hà Minh
>> Cần xác định nguyên nhân làm vàng da
>> Bệnh vàng da sơ sinh có tái phát?
>> Trẻ sơ sinh bị vàng da, có phải bệnh?
>> Ngăn ngừa bệnh vàng da ở trẻ
>> Mẹo mát xa cải thiện sức khỏe ở trẻ sơ sinh
>> Dấu hiệu 'báo động' sức khỏe trẻ sơ sinh
>> Một số sai lầm trong chăm trẻ sơ sinh
Bình luận (0)