|
Nhầm tưởng vàng da ở trẻ sơ sinh là vàng da sinh lý
Nhiều cha mẹ khi thấy trẻ sơ sinh có biểu hiện vàng da thì cho rằng chỉ là vàng da sinh lý và có tâm lý đợi sau một tuần nếu không khỏi mới đưa đi điều trị. Tuy nhiên, bệnh vàng da ở trẻ nếu để quá một tuần thì nguy cơ tử vong rất lớn hoặc các trường hợp chất bilirubin tăng gây tổn thương não dẫn tới nguy cơ tàn tật, bại não ở trẻ.
Do đó, hằng ngày cha mẹ và gia đình phải đưa trẻ ra những chỗ nhiều ánh sáng mặt trời để quan sát ngực, bụng, tứ chi. Nếu thấy vàng da quá rốn, vàng da xuống chân hoặc vàng da kèm bú kém, lơ mơ thì phải đưa trẻ đi nhập viện gấp.
Việc điều trị bệnh vàng da chỉ hiệu quả trong tuần đầu của bệnh, nếu để chậm trễ sẽ gây ra hậu quả nặng nề thậm chí có thể tử vong.
Mẹ và trẻ sơ sinh nằm phòng tối sau khi sinh
Nhiều người quan niệm, bà mẹ sau sinh và trẻ phải nằm phòng kín để tránh gió, trẻ đang yếu ớt nên nằm phòng tối sẽ ấm hơn. Thực tế, phòng tối thường không thoáng khí và thiếu ánh sáng khiến việc theo dõi cơ thể của trẻ gặp khó khăn. Nếu trẻ bị vàng da, việc nằm phòng tối sẽ làm cho trẻ bệnh nặng hơn khi gia đình khó quan sát đúng bệnh.
Ngoài ra, có nhiều bà mẹ còn nằm than hay hơ trẻ sơ sinh trên than gây nhiễm trùng da, viêm mô tế bào. Bệnh viện Nhi đồng 1 từng tiếp nhận những trường hợp trẻ bị phỏng tay, bàn chân, lưng do nằm than.
Băng kín rốn
Có một số phụ huynh quan niệm không để rốn hở ra vì sợ vi khuẩn bay vào gây bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, việc bịt kín rốn lại dễ gây nhiễm trùng, hôi thối rốn. Có trường hợp còn đắp sái thuốc phiện làm trẻ chướng bụng, ngưng thở. Vì vậy, cần phải biết cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh. Có thể dùng ancol 70 độ hoặc dung dịch muối phù hợp để rửa rốn cho trẻ.
Sớm thay sữa bình
Nhiều bà mẹ không ý thức được vai trò của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ nhỏ nên dễ dàng thay sữa mẹ bằng sữa bình. Đó là chưa kể việc kiêng khem quá mức khiến mẹ không đủ chất dinh dưỡng để nuôi trẻ.
Khẩu phần ăn của người mẹ sau sinh phải tăng thêm ¼ lượng thức ăn hằng ngày. Đồng thời, trong khẩu phần ăn phải đảm bảo đủ tinh bột, đạm và phải uống đủ nước, ăn nhiều rau, trái cây. Đối với trẻ nhỏ, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng hàng đầu.
Đưa con đi cắt lễ
Khi thấy trẻ bị bệnh, nhiều bà mẹ đưa trẻ đi cắt lễ. Điều này rất nguy hiểm vì dễ gây ra những biến chứng khó lường như xuất huyết, nhiễm trùng, nhiễm HIV. Vì vậy, khi trẻ có bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và có cách can thiệp hợp lý.
Hà Minh
>> Bé sơ sinh nặng 5,3 kg
>> Chăm sóc hậu sản và bé sơ sinh
>> Giảm cơn khóc dai dẳng ở trẻ sơ sinh
>> Cứu sống bé sơ sinh nặng gần 700 gam
>> Báo động thiếu hụt vitamin D ở trẻ sơ sinh
>> Bé sơ sinh rụng tóc
>> Cứu sống một trẻ sơ sinh hạ đường huyết liên tục
>> Ăn uống khi bệnh vàng da
>> Bệnh vàng da sơ sinh có tái phát?
>> Trẻ sơ sinh bị vàng da, có phải bệnh?
Bình luận (0)