Cắt bỏ một phần não bị hư để điều trị động kinh kháng trị

26/08/2019 19:42 GMT+7

Các bác sĩ đã xác định được vùng não gây ra cơn động kinh, phẫu thuật cắt bỏ phần não bị hư để điều trị cho bệnh nhân động kinh kháng trị.

Ngày 26.8, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết lần đầu tiên bệnh viện đã phẫu thuật thành công cắt bỏ một phần não để điều trị cho bệnh nhân động kinh kháng trị (kháng thuốc).
Theo bác sĩ Tuấn, động kinh kháng trị là một bài toán hóc búa cho các thầy thuốc. Khoảng 20% bệnh nhân vẫn tiếp tục co giật dù sử dụng nhiều loại thuốc chống động kinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bệnh nhân T.T.N.Y (31 tuổi, ngụ TP) khởi phát động kinh từ năm 15 tuổi, đã được điều trị kéo dài với nhiều loại thuốc chống động kinh nhưng đáp ứng kém. Bệnh nhân phải chịu đựng từ 4-6 cơn động kinh mỗi tháng khiến mọi sinh hoạt hầu như chỉ luẩn quẩn trong nhà và cần có sự hỗ trợ của người thân đề phòng mỗi khi lên cơn động kinh.
Chị Y. cho biết đã đi điều trị nhiều nơi nhưng việc kiểm soát cơn động kinh rất kém.
Đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chị Y. được các bác sĩ nội thần kinh đánh giá, thực hiện các ghi điện não video 24 giờ và ghi nhận “ổ động kinh” có nguồn gốc từ thái dương bên phải. Qua hình ảnh chụp MRI sọ não, bác sĩ ghi nhân bệnh nhân bị thương tổn ở thùy thái dương phải.
Các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã hội chẩn với các phẫu thuật viên thần kinh và các chuyên gia hàng đầu về động kinh của Pháp kết luận bệnh nhân bị động kinh kháng trị (không thể điều trị bằng thuốc). Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt vùng não sinh ra động kinh, ở đây là thùy thái dương phải.
“Để thực hiện phẫu thuật cắt thùy thái dương phải, cần hệ thống định vị não trong lúc mổ và kính hiển vi phẫu thuật. Bác sĩ phải cắt đúng, đủ phần não bị hư. Nếu cắt không đủ thì khả năng bệnh nhân tái phát động kinh. Nếu cắt quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến vùng não lành, khiến bệnh nhân sau mổ có thể bị không nói được, mất trí nhớ, ảnh hưởng thị giác...”, bác sĩ Tuấn đánh giá.
Theo bác sĩ Tuấn, trong phương pháp phẫu thuật cắt phần não sinh ra động kinh, quan trọng nhất là phải xác định đúng cơn động kinh xuất phát từ vùng nào của não, vùng não này có chức năng gì, mối tương quan với các vùng não khác như thế nào. Từ đó, bác sĩ mới quyết định có phẫu thuật cắt bỏ được hay không.
Sau hai tuần phẫu thuật, hiện bệnh nhân hoàn toàn không xuất hiện cơn động kinh, không có biến chứng và sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Tuấn cho biết, động kinh là một bệnh lý thần kinh thường gặp, chiếm 0,5 - 1% dân số. Trong đó, động kinh xuất phát ở thùy thái dương là một trong những loại động kinh thường gặp nhất ở người lớn. Tuy nhiên, động kinh thái dương cũng là loại động kinh có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất trong các loại động kinh. Việc cắt bỏ phần não gây ra động kinh được áp dụng cho động kinh xuất phát ở thùy thái dương, có thể chữa khỏi hoàn toàn với tỉ lệ thành công khoảng 60-80%.
Phẫu thuật cắt thùy thái dương điều trị động kinh kháng trị là bước tiến lớn với sự phối hợp giữa các chuyên gia về nội thần kinh, các phẫu thuật viên ngoại thần kinh tại Việt Nam. Phẫu thuật giúp mở thêm một cơ hội điều trị cho bệnh nhân động kinh trở lại với cuộc sống hằng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.