Hôm nay (23.1), bác sĩ Diệp Quế Trinh, Phó khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Tai nạn thương tâm xảy ra với gia đình bé gái H.T.H.Y (10 tuổi, tạm trú ở TP.HCM).
Theo người nhà bệnh nhi, sự việc xảy ra do ba của bé hút thuốc lá trong nhà. Hơi lửa từ tàn thuốc vô tình làm bình gas trong nhà phát nổ, gây phỏng nặng cho hai cha con.
Cha của bệnh nhi được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bệnh nhi được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tình trạng của bệnh nhi phỏng rất nặng toàn thân với diện tích 72% cơ thể, độ 2 - 3. Bác sĩ Trinh cho biết, tiên lượng của bé khó nói trước điều gì.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ phỏng rất thương tâm.
Như trường hợp bé C.M.Đ (1 tuổi, quê Bình Định) bị bỏng nước sôi 23% cơ thể vì kéo phải ấm nước sôi mẹ đang nấu. Bé T.B.L (15 tháng tuổi) cũng phỏng nước sôi độ 2 - 3, với diện tích 7% cơ thể.
Đặc biệt, có trường hợp bé chỉ mới 28 tháng tuổi (ngụ Cà Mau) tử vong do phỏng 95% cơ thể. Bé bị phỏng khi chơi với các bạn trong xóm vì bình xăng trong đống rác gần đó bất ngờ bốc cháy. Bé còn quá nhỏ chạy không kịp.
Phòng tránh tai nạn phỏng cho trẻ dịp Tết
tin liên quan
Hóc kèn nhựa, bé trai ngưng tim ngưng thở“Thời điểm cận Tết, trẻ nhỏ được nghỉ học ở nhà, gia đình lại bận bịu chuẩn bị nhiều việc cho Tết, nấu nướng bếp núc nhiều, nên tai nạn thường xảy ra hơn, đặc biệt là phỏng. Do đó, phụ huynh phải hết sức cẩn trọng trông chừng trẻ. Chú ý, khi gia đình tổ chức nấu ăn, nấu bánh tết, nấu nước, cúng kiếng thì nên cẩn thận vật dụng nóng, để các thức ăn, đồ uống, vật dụng đựng đồ nóng xa tầm tay của trẻ. Hạn chế cho trẻ lại gần nơi nấu nướng, cử người chăm sóc trẻ”, bác sĩ Trinh khuyến cáo.
Ngoài ra, theo bác sĩ Trinh, gia đình cũng cẩn trọng trong các thiết bị điện, tránh cho trẻ lại gần, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nếu không may tai nạn phỏng xảy ra, phụ huynh sơ cứu cho trẻ bằng cách rửa liên tục vết phỏng dưới vòi nước sạch từ 10 - 15 phút, rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ xử lý vết thương.
Trong trường hợp trẻ bị phỏng xăng, gas phải lập tức đưa trẻ vào bệnh viện càng sớm càng tốt vì nguy cơ trẻ phỏng đường hô hấp rất cao.
Nếu trẻ bị phỏng điện thì phải ngắt nguồn điện ngay. Sau đó đưa trẻ ra khỏi vùng điện. Trường hợp trẻ bị ngưng tim thì phải nhồi tim, hô hấp nhân tạo. Sau đó, người nhà nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và được chăm sóc vết thương, tránh nhiễm trùng.
Bình luận (0)