Chàng trai kể: Cả nhóm mua silicon ‘xách tay’ về tự tiêm để 'làm đẹp'

Duy Tính
Duy Tính
25/01/2021 12:56 GMT+7

Bệnh nhân T. kể với bác sĩ, cả nhóm tự mua silicon hàng Thái Lan “xách tay” rồi tiêm tập thể, muốn đẹp chỗ nào tiêm silicon chỗ đó. Có người tiêm đến 1- 2 lít silicon lỏng vào cơ thể…

Ngày 25.1, Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân N.D.T (20 tuổi, ngụ Trà Vinh) vì mặt, môi, má bị cứng đơ như khối bê tông; ngực, lưng mọc mụn bọc chi chít, sau khi tiêm dung dịch silicon lỏng không rõ nguồn gốc.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã mua silicon lỏng với giá rẻ ngoài chợ và được giới thiệu là “mỡ nhân tạo nhập từ Thái Lan”. Loại silicon này được người bán giới thiệu có tác dụng làm đẹp thần kỳ, xấu chỗ nào tiêm chỗ ấy. Cách sử dụng vô cùng đơn giản, không cần ủ tê, chỉ cần dùng cồn bôi lên vùng da cần tiêm và thực hiện bơm silicon vào chỗ muốn đẹp là được.
Sau đó, anh T. rủ hội nhóm “chị em” trong xóm ra nhà kho cùng trải nghiệm. Để tiết kiệm chi phí, cả nhóm quyết định dùng chung một ống tiêm và không dùng thêm bất kì dụng cụ vô trùng nào, cũng không cần tìm đến giới chuyên môn hay bác sĩ tham khảo ý kiến.
Anh T. kể, trong quá trình tự tiêm, nếu bất kì ai cảm thấy đau nhức, khó chịu sẽ dùng cồn lỏng để bôi sát trùng, thậm chí nếu silicon bị trào ra thì sẽ khắc phục tức thì bằng “keo con voi” để... dán lại (?).
Hậu quả là cả nhóm bị nặng nề, có người bị biến chứng, hoại tử vùng tiêm silicon, hoại tử ngực… Bệnh nhân T. kể có người sau tiêm tử vong (?).
Riêng anh T., chỉ sau vài tiếng kể từ khi tiêm silicon vào vùng rãnh má và môi thì bị sốt cao, cả người co giật... gương mặt ê buốt và sưng phồng, má bị cứng đơ, đỏ bừng như nổi gân máu. Gia đình cho T. uống thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt liên tục nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Lo sợ bản thân bị kích ứng do silicon lỏng, anh T. thúc giục người thân đưa tới cơ sở thẩm mỹ viện gần nhà để hút silicon lỏng ra khỏi cơ thể và uống thuốc. Nhưng đến khi hết thuốc, tình trạng của T. không có chuyển biến gì mà mặt lại trở nên căng cứng và sưng to gấp đôi so với ban đầu.
Ba tháng sau, anh T. đến một bệnh viện ở TP.HCM để tiếp tục nạo silicon vùng mặt. Lúc này silicon đã lan rộng hết hai bầu má, khiến mặt cứng đơ, môi hếch và miệng không thể cười.
Khi cơ thể bắt đầu với những biến chứng và biểu hiện nghiêm trọng hơn, silicon đóng khối, thì anh T. không thể mở miệng nói chuyện và ăn uống bình thường. Nguyên vùng cổ và lưng bị lên mụn bọc dày đặc, nhiều chỗ lở loét.
Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung (Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc) nhận thấy silicon nổi lợn cợn và lan xa hơn nửa khuôn mặt, mẩn đỏ và mụn mọc chi chít gây mưng mủ khắp người. Ngay lập tức, bác sĩ Tú Dung chỉ định mổ khẩn nạo vét silicon vùng mặt và môi, kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân.
Sau ca phẫu thuật kéo dài suốt 3 giờ, hiện sức khỏe anh T. đã ổn định và được tiếp tục tiêm truyền kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Tú Dung, thời điểm cuối năm được xem là thời khắc vàng để làm đẹp. Do đó, rất nhiều người đã lựa chọn các phương pháp làm đẹp “tiện dụng” và “rẻ” để giải quyết nhu cầu làm đẹp đón tết mà không quan tâm đến hậu quả khôn lường của những phương pháp này.
Bác sĩ Tú Dung cũng khuyên khách hàng nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định làm đẹp. Tốt nhất là đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để được các bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm tư vấn và thực hiện, tránh hệ lụy khôn lường gây thương tật suốt đời, thậm chí tử vong như tiêm Silicon không rõ nguồn gốc, người tiêm không có tay nghề...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.