Còn trẻ mà mắc bệnh này thì rất dễ bị cơn đau tim chết người

Thiên Lan
Thiên Lan
17/10/2020 00:12 GMT+7

Cơn đau tim có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu ngay lập tức. Thế nhưng, một nghiên cứu mới đây phát hiện, cứ tăng thêm 10 đơn vị huyết áp khi còn trẻ, thì nguy cơ bị đau tim khi về già tăng lên 43%.

Đau tim là trường hợp cấp cứu nghiêm trọng, do nguồn cung cấp máu đến tim đột ngột bị tắc nghẽn, thường là do mỡ bám trong động mạch vành, còn gọi là bệnh tim mạch vành, theo Express.
Nguyên nhân lớn nhất khiến việc cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn chính là huyết áp cao.
Như Hiệp hội Tim mạch Mỹ giải thích, áp lực và ma sát của huyết áp cao có thể làm hỏng các mô mỏng manh bên trong động mạch.
Đồng thời, cholesterol xấu tạo thành mảng bám dọc theo những vết rách nhỏ trong thành động mạch, dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.
Thế nhưng, mối nguy hiểm của huyết áp cao thường ít được chú ý ở độ tuổi trẻ.
Một nghiên cứu mới đã nhấn mạnh tầm quan trọng cần phải kiểm soát huyết áp cho dù ở lứa tuổi nào.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng huyết áp cao ở tuổi trước 55 làm tăng nguy cơ bị cơn đau tim và bệnh tim mạch vành về sau.
Nghiên cứu do tiến sĩ Dipender Gill từ Đại học Hoàng gia London (Anh) dẫn đầu cho thấy cần phải kiểm soát huyết áp ở độ tuổi trẻ hơn, nếu không, có thể dẫn đến tổn thương suốt đời, không thể phục hồi.
Ví dụ, nếu bạn từng bị huyết áp cao ở độ tuổi 40, nhưng đến tuổi 60 mới kiểm soát, thì thiệt hại đã xảy ra, theo Express.
Nghiên cứu là lời cảnh tỉnh cho những người nghĩ rằng chỉ khi nào đến tuổi 60 hoặc 70 mới cần quan tâm đến huyết áp.
Còn trẻ mà mắc bệnh này thì rất dễ bị cơn đau tim chết người1

Nguyên nhân lớn nhất khiến việc cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn chính là huyết áp cao

Ảnh minh họa: Shutterstock

Tiến sĩ Gill và nhóm nghiên cứu đã phân tích gien của hơn 400.000 người Anh và tính toán rằng cứ tăng thêm 10 đơn vị huyết áp trước tuổi 55 thì nguy cơ bị đau tim về sau tăng lên 43%, theo Express.
Và thiệt hại là vĩnh viễn. Ví dụ, nếu một người gặp vấn đề ở độ tuổi 40, nhưng đến tuổi 60 mới kiểm soát, thì tác hại đã xảy ra.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Dipender Gill, từ Đại học Hoàng gia London, nói rằng ai cũng biết huyết áp cao có hại cho tim. Nhưng ít người quan tâm đến điều này khi còn trẻ. Họ nghĩ, chỉ khi nào 60 - 70 tuổi mới lo.
Nhưng bằng chứng này cho thấy thiệt hại là tích lũy đến suốt đời. Vì vậy, cần phải quan tâm đến huyết áp cho dù là ở độ tuổi 30, 40 hay 50, theo Express.
Tiến sĩ Gill nói thêm, ngay cả một sự thay đổi nhỏ trong huyết áp cũng có tác hại tích lũy đến tim.
Maureen Talbot, người đứng đầu hỗ trợ lâm sàng tại Quỹ Tim mạch Anh, đơn vị tài trợ cho nghiên cứu, cho biết kiểm soát huyết áp là cực kỳ quan trọng, vì nó sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh mạch vành, đau tim và đột quỵ.
Nếu bạn bị huyết áp cao khi ở tuổi còn trẻ, hãy chủ động thực hiện các bước để giảm huyết áp để cứu mạng bạn.
Để giảm huyết áp, một bước ngay lập tức bạn có thể làm là giảm lượng muối ăn vào vì muối làm tăng huyết áp.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh khuyến cáo nên ăn ít hơn 6 gram muối mỗi ngày, theo Express.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.