Hôm nay (6.10), bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Mai Uyên, Trưởng khoa Nội thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM), cho biết: Bà L.T.H (61 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng mất ý thức, một mắt bị sụp mí, méo miệng sang phải.
Thân nhân người bệnh cho biết, trước đó, khi bệnh nhân đang phơi quần áo trên sân thượng cùng con trai thì đột ngột méo miệng, khuỵu người và bất tỉnh, tiểu không tự chủ. Người nhà ngay lập tức gọi cấp cứu 115 và được chuyển đến Bệnh viện Gia An 115. Thời gian từ lúc bệnh nhân xuất hiện triệu chứng méo miệng đến khi tới bệnh viện khoảng 30 phút.
Tại Bệnh viện Gia An 115, nhận thấy bệnh nhân có các dấu hiệu điển hình của đột quỵ cấp, quy trình cấp cứu đột quỵ ngay lập tức được kích hoạt. Bệnh nhân nhanh chóng được chụp CT Scan sọ não không tiêm thuốc cản quang, MRI sọ não có bơm thuốc tương phản. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não lỗ khuyết vỏ não đỉnh (phải), không tắc mạch máu lớn.
Các bác sĩ đã chỉ định cho người bệnh dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và theo dõi sát sao. Sau đó, người bệnh tiếp tục được điều trị thuốc và điều trị dự phòng tái phát.
Sau 2 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã khôi phục hoàn toàn và có thể xuất viện.
Theo bác sĩ Uyên, những trường hợp nhồi máu não do tổn thương mạch máu nhỏ có thể gây tàn phế nặng liệt nửa bên người, rối loạn ngôn ngữ… nếu không được can thiệp kịp thời. Do đó, bệnh nhân cần được cấp cứu sớm tại cơ sở y tế có điều kiện tiếp nhận và điều trị đột quỵ trong “thời gian vàng” (trong vòng 3-4 giờ 30 phút kể khi khởi phát triệu chứng đầu tiên).
“Đặc biệt, với những người bệnh đang có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, mỡ máu cao… cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của các bác sĩ, không nên tự ý ngưng thuốc vì việc không kiểm soát tốt các bệnh này sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ cũng như các bệnh lý nguy hiểm khác”, bác sĩ Uyên khuyến cáo thêm.
Bình luận (0)