Dị ứng thức ăn có thể gây tử vong?

Duy Tính
Duy Tính
01/05/2018 00:07 GMT+7

Mấy ngày qua dư luận xôn sao việc một bệnh nhân sau khi ăn hải sản, thịt bò, bánh tránh trộn, uống trà sữa… bị nổi mẩn, ngứa phải nhập viện cấp cứu và tử vong do sốc phản vệ.

Bệnh viện và các cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là tử vong do sốc phản vệ thức ăn hay sốc thuốc cấp cứu.
Bài viết này không bàn về chuyên môn, mà chỉ cung cấp cho bạn đọc thông tin về vấn đề sốc do dị ứng thức ăn hay không dung nạp thức ăn, các dấu hiệu nhận biết nó và cấp cứu ra sao... Đặc biệt, trong những ngày nghỉ lễ, mọi người thường hay tụ họp ăn uống nên có lẽ cần biết những thông tin này để phòng ngừa.
TS-BS Bùi Minh Trạng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115(TP.HCM), cho biết trong cuộc sống, vào một thời điểm nào đó ai cũng có khả năng bị phản ứng với một loại thức ăn, nhưng trong phần lớn các trường hợp thì đó là sự không dung nạp thức ăn chứ không phải phản ứng dị ứng thật sự.
Các triệu chứng của dị ứng và không dung nạp thực phẩm giống nhau nhưng tình trạng dị ứng thì nguy hiểm hơn, nặng nề hơn. Thường thì người ta chỉ nói chung chung là không hợp với thức ăn này hay thức ăn kia mà không để ý là bị dị ứng hay không dung nạp thực phẩm. Người bị dị ứng với thực phẩm thường có nguy cơ cao bị đe dọa tính mạng, phải tự nhận biết và chuẩn bị sẵn sàng để đối phó khi xảy ra.
Phân biệt, nhận biết giữa dị ứng và không dung nạp thức ăn
Theo TS-BS Trạng, phần lớn mọi người đều bị ảnh ưởng bởi dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp thực phẩm trong một số giai đoạn của cuộc sống. Mọi người cũng không ai muốn gặp phản ứng này và rất muốn biết thực phẩm nào gây ra dị ứng cho mình. Điều may mắn là dị ứng thực phẩm hiếm khi xảy ra và chỉ khoảng 2% dân số nói chung bị phản ứng dị ứng với một hoặc vài loại thực phẩm.
Nhiều người nói rằng họ bị dị ứng với vài chất nhưng thực tế chỉ là sự nhạy cảm hoặc không dung nạp. Có sự khác nhau giữa dị ứng và sự nhạy cảm hoặc không dung nạp thực phẩm tùy theo cách mà cơ thể chúng ta phản ứng lại với các chất lạ. Sự dị ứng liên quan đến hệ thống miễn dịch, ngược lại trong trường hợp nhạy cảm hoặc không dung nạp thì phản ứng khởi phát chính ở hệ thống đường tiêu hóa.
Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện một protein trong thức ăn, xem như một vật lạ xâm nhập và đáp ứng bằng một phản ứng liên quan đến miễn dịch. Loại thường gặp nhất là phản ứng liên quan đến Immunoglobulin E (IgE) theo sau sự giải phóng các hóa chất như histamin từ đại thực bào.
Trong trường hợp nặng thì phản ứng dị ứng gây ra phản ứng phản vệ làm hạ huyết áp và co thắt đường thở, tình trạng này sẽ gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Phản ứng phản vệ có thể được điều trị với thuốc tiêm epinephrine
Dấu hiệu dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm
Theo TS-BS Trạng, dị ứng thực phẩm hường xảy ra nhanh, đột ngột khi mới chỉ ăn vào cơ thể một lượng nhỏ và xảy ra mỗi khi ăn thực phẩm đó. Nó có thể đe dọa đến tính mạng.
Còn không dung nạp thực phẩm thường xảy ra từ từ khi ăn một lượng lớn thực phẩm. Có thể chỉ xảy ra nếu ăn thực phẩm đó thường xuyên và không nguy hiểm tính mạng.
Triệu chứng giống nhau giữa dị ứng và không dung nạp thực phẩm: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa.
Triệu chứng phân biệt: khi thức ăn kích thích dạ dày hoặc cơ thể không thể tiêu hóa được thì nó không dung nạp. Người ăn sẽ gặp một số triệu chứng sau: đầy hơi, chuột rút, nặng ngực, đau đầu, kích thích hoặc lo lắng.
Phản ứng dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với thức ăn đó một cách quá mức, nó gây tác động toàn cơ thể không chỉ ở đường tiêu hóa, triệu chứng gồm: nổi mẩn, phát ban, ngứa, thở nông, đau ngực, đột ngột giảm huyết áp, nuốt khó hoặc khó thở… cần phải được cấp cứu ngay.
Hải sản cũng là nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng ẢNH: DUY TÍNH

Nhận biết thực phẩm gây dị ứng và xử lý cấp cứu nếu mắc phải
Phần lớn tình trạng dị ứng là từ 8 nhóm thực phẩm sau: đậu phộng; hạt cây (quả óc chó, hồ đào, quả hạnh); cá; sò, tôm, cua; sữa; trứng; đậu nành; lúa mì.
Xử lý tình huống bị dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm ra sao?
Theo TS-BS Trạng, nếu bạn bị dị ứng hoặc không dung nạp loại thức ăn nào thì cần phải ngưng ngay việc sử dụng thức ăn đó. Người không dung nạp lactose thì phải tìm sữa không lactose để dùng hoặc bổ sung men lactase.
Với dị ứng thức ăn có thể xảy ra phản ứng phản vệ, một phản ứng nguy hiểm tính mạng, bạn cần phải trao đổi với bác sĩ để được trang bị bút Epi (chứa epinephrine) để tự cấp cứu cho mình khi triệu chứng xảy ra. Thường người có tiền sử dị ứng nặng với thực phẩm luôn mang theo bên người 2 cây bút Epi. Người bệnh phải luôn nhớ rõ loại thực phẩm nào gây ra dị ứng hoặc không dung nạp để tránh. Phải đọc kỹ nhãn của các loại thực phẩm đóng bao bì để xem có chứa chất mình bị dị ứng hoặc không dung nạp hay không. Khi đến nơi nào ăn uống, cần phải hỏi người phục vụ chuẩn bị thức ăn về thông tin các chất mà mình có thể dị ứng hoặc không dung nạp.
 
Dị ứng với chất bảo quản thức ăn
Theo TS-BS Trạng, cách đây nhiều thế kỷ, Romans đã khám phá ra chất sulphite (dùng bảo quản thức ăn). Sulphite sẽ giải phóng chất khí sulphur dioxide, nó gây ra tình trạng kích ứng đường hô hấp và co thắt. Có ít hơn 2% dân số được cho là nhạy cảm với sulphite nhưng ở người bị hen suyễn thì tỉ lệ này cao hơn (5 - 13%).
Tại Anh, sulphite được xem như chất dị ứng tiềm tàng và phải được ghi trên nhãn thực phẩm hoặc thức uống nếu có chứa trong thành phần. Ở Nam Phi, sulphur dioxide thường được dùng trong bảo quản trái cây khô. Sulphite cũng được dùng rộng rãi trong rượu vang, bia và thức uống có cồn. Thuốc và mỹ phẩm cũng có chứa sulphite.
Những loại thực thẩm thường chứa sulphite bao gồm: các loại bánh, nước trái cây, nước uống và rau quả đóng hộp, dưa món, khoai tây chiên… Các loại sulphite thường được đưa vào thực phẩm: sulphur dioxide, potassium bisulphate, potassium metabisulphate, sodium bisulphite, sodium dithionite, sodium metabisulphite, sodium sulphite and sulphurous acid.
Một nghiên cứu năm 2009 về tác động lâm sàng của chất bảo quản sulphite cho thấy có rất nhiều triệu chứng: viêm da, nổi mề đay, nổi mẩn đỏ, giảm huyết áp, đau bụng, tiêu chảy, phản ứng suyễn (phần lớn các nghiên cứu tường trình tỉ lệ 3-10% sự nhạy cảm trong nhóm người bị hen suyễn sau khi ăn thực phẩm chứa sulphite) và phản ứng phản vệ. Theo các chuyên gia thì ngoài triệu chứng cấp tính biểu hiện, sulphite còn có thể gây tác động lâu dài như tình trạng bệnh mãn ở ngoài da và hệ hô hấp. Có một số giả thuyết đặt ra nhưng vẫn chưa rõ ràng khi xác định nguyên nhân thật sự của sự nhạy cảm sulphate là gì...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.