Điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng phương pháp truyền huyết tương

Liên Châu
Liên Châu
07/08/2020 03:59 GMT+7

Lần đầu tiên tại Việt Nam, 10 bệnh nhân Covid -19 thể nặng tại Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được nhận huyết tương chứa kháng thể chống vi rút SARS-CoV-2 để điều trị bệnh.

5 đơn vị y tế cùng tham gia

Ngày 6.8, trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới: “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”.
Thực hiện nghiên cứu này, cùng lúc sẽ có 5 đơn vị y tế tham gia. Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gien Vinmec là nơi tiếp nhận huyết tương từ người hiến. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư sẽ đánh giá chất lượng kháng thể trong huyết tương người hiến. Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư là đơn vị tham gia điều trị (truyền kháng thể cho BN Covid-19). BV Đà Nẵng là nơi đang có các BN nặng.
BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đã bắt đầu lựa chọn người hiến huyết tương. Hiện đã có 5 người đăng ký tình nguyện hiến, trong đó có một bác sĩ của BV này từng mắc Covid-19 đã khỏi bệnh.

5 người khỏi Covid-19 tình nguyện hiến huyết tương cho bệnh nhân

Đảm bảo an toàn điều trị

Theo TS Nguyễn Ngô Quang, các BV tiếp nhận huyết tương bằng cách lấy máu từ người hiến (là các BN Covid-19 đã khỏi bệnh), sau đó chiết tách lấy huyết tương. Huyết tương này có chứa kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 sẽ được kiểm tra chất lượng trước khi truyền cho BN Covid-19, do lượng kháng thể trong huyết tương phải đủ mới có hiệu quả trong điều trị.
TS Quang cho biết thêm: “Các trường hợp được chỉ định truyền huyết tương là các BN Covid-19 nặng. Huyết tương này được chuyển qua đường hàng không từ Hà Nội vào Đà Nẵng, sau khi đã được kiểm tra ngặt nghèo về chất lượng”.
Bộ Y tế thông tin: Các tiêu chuẩn cơ bản với người nhận huyết tương là BN Covid-19 từ 18 - 75 tuổi, được chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR từ bệnh phẩm hầu họng, đáp ứng tất cả tiêu chuẩn lựa chọn.
Theo các chuyên gia, một người mắc Covid-19 khỏi bệnh nếu hiến huyết tương có thể giúp điều trị cho ít nhất một BN Covid-19 thể trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng. Phương pháp dùng huyết tương của người hồi phục đã từng được sử dụng điều trị một số bệnh như: sởi, cúm, SARS... Truyền huyết tương từ người đã khỏi bệnh làm tăng phản ứng chống lại vi rút ở người bệnh, giúp hệ thống miễn dịch mạnh hơn, BN thêm cơ hội được điều trị khỏi.
Người hiến huyết tương là người trong độ tuổi từ 18 - 65, cân nặng trên 50 kg (với nam) và 45 kg (với nữ), từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh, sau xuất viện 14 ngày. Các trường hợp hiến huyết tương sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc miễn phí các bệnh như: viêm gan B, HIV, giang mai... và các xét nghiệm cần thiết khác nhằm đảm bảo nguồn huyết tương an toàn.
Ngoài ra, hiến huyết tương là hoàn toàn tự nguyện. Người cho có quyền chấm dứt tham gia hiến tặng bất cứ khi nào.

Bản tin Covid-19 ngày 6.8: Sẽ có hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, nhiều bệnh nhân đang nguy kịch

Dự kiến, trong tuần này, ngày 7 - 8.8, hai BN Covid-19 thể nặng tại BV Đà Nẵng được truyền huyết tương điều trị. Đây cũng là các BN Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được điều trị theo phương pháp này.
TS Nguyễn Ngô Quang cho biết: Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, sẽ có 10 BN Covid-19 nặng nhận huyết tương; giai đoạn 2 có 30 BN. Suốt quá trình triển khai, nghiên cứu được giám sát chặt chẽ bởi Hội đồng đạo đức y sinh của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. BV Bệnh nhiệt đới T.Ư kêu gọi người bệnh đã khỏi Covid-19 hiến tặng huyết tương, có thể liên hệ đường dây nóng 19003228 hoặc trực tiếp tại Phòng Công tác xã hội của BV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.