Em bé chào đời tại phòng áp lực âm, chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 của mẹ

Vân Phương
Vân Phương
04/06/2021 18:38 GMT+7

Chị L.T.L, 31 tuổi, ngụ Đồng Nai, nhập viện cấp cứu Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, trong tình trạng đau bụng chuyển dạ, kết quả sàng lọc triệu chứng Covid -19 cho thấy sốt 38 độ.

Sản phụ được lấy mẫu phết họng xét nghiệm Covid-19, khám sàng lọc và chuyển vào khu vực vùng đệm chuyên dùng để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm Covid-19. Đây là biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho bệnh nhân và bệnh viện.
Qua thăm khám, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Tố Thư, khoa Phụ sản, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, nhận định sản phụ sẽ sinh trong khoảng 2 giờ tới. Mặc dù, khoa xét nghiệm ưu tiên kết quả xét nghiệm Covid-19 cho sản phụ, tuy nhiên không thể có kịp trong khoảng thời gian dự sinh.
Các bác sĩ quyết định chuyển sản phụ đến phòng áp lực âm chuyên dụng cách ly để đảm bảo an toàn cho sản phụ quá trình sinh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Trong phòng áp lực âm, sản phụ L. được theo dõi tim thai và các cơn gò tử cung. 19 giờ 6 phút, ngày 1.6 , sản phụ đã sinh bé chỉ sau một giờ nhập viện. Tối cùng ngày, kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, mẹ con sản phụ chuyển về phòng chăm sóc sau sinh bình thường. Hiện sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định. 
Anh L.T.N, 34 tuổi, chồng của sản phụ L., chia sẻ: “Vợ mang thai trong thời điểm dịch bệnh bùng phát khiến tôi lo lắng hơn nhiều cho sức khỏe của hai mẹ con. Nhưng khi đến đây thì được các y bác sĩ quan tâm, tôi trải nghiệm được quy trình sàng lọc, khám, theo dõi vợ sinh, chăm sóc em bé rất kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn. Với tinh thần phòng ngừa lây nhiễm của bệnh viện thì bản thân tôi không còn lo lắng”.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Tố Thư lưu ý các sản phụ, để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh phức tạp bằng cách khai báo y tế trung thực để được hỗ trợ y tế đúng cách. Đem theo đầy đủ hồ sơ khám thai để các bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng thai nhi, tiên lượng được các diễn biến lâm sàng.
“Ngoài ra, những ngày gần ngày sinh, sản phụ phải theo dõi cẩn thận cử động của thai nhi. Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ. Nếu thai có cử động ít hơn cần đến ngay cơ sở y tế để theo dõi tình trạng thai bằng những phương pháp khác. Cần đến ngay cơ sở y tế khi sản phụ đau bụng từng cơn, vỡ ối, ra huyết âm đạo...”, bác sĩ Thư lưu ý. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.