Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 tại TP.Vũ Hán (Trung Quốc), tính đến sáng 30.1, toàn thế giới đã có hơn 102 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 2,21 triệu ca tử vong, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Hiện nay, vắc xin vẫn được xem là hy vọng duy nhất để nhân loại chấm dứt đại dịch. Theo số liệu thống kê của tạp chí Nikkei Asia (Nhật), tính tới hôm 24.1, hơn 65 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giáo sư Emily Oster từ Đại học Brown (thuộc Ivy League - nhóm các trường đại học xuất sắc nhất nước Mỹ), trưởng dự án COVID-Explained (chuyên giải đáp những câu hỏi về Covid-19 bằng những thông tin khoa học), mới đây có bài chia sẻ trên trang TED Ideas để giải đáp phần nào những thắc mắc xoay quanh vắc xin Covid-19.
1. Vắc xin sản xuất nhanh, liệu có an toàn?
Theo Giáo sư Oster, về cơ bản, các loại vắc xin khi được đưa ra thị trường đều đã phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, trong đó có những tiêu chuẩn an toàn. Chuyên gia người Mỹ cũng cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ phát triển vắc xin thường là do mức độ đầu tư tiền bạc và công sức. Trong khi đó, các loại vắc xin Covid-19 hiện nay đang là đối tượng ưu tiên hàng đầu của các chính phủ và ngành dược phẩm, do đó tốc độ phát triển nhanh hơn vắc xin thông thường.
Riêng tại Mỹ, đến nay đã có 2 loại vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp, một là của liên doanh Pfizer/BioNTech và một của Công ty Moderna. Cả hai loại vắc xin này đều đang cho thấy hiệu quả hơn 90% trong các thử nghiệm lâm sàng có sự tham gia của hàng nghìn người.
2. Khả năng bị nhiễm vi rút từ vắc xin?
Các chuyên gia của dự án COVID-Explained khẳng định điều này không thể xảy ra. Nhiều loại vắc xin truyền thống có thể sử dụng một dạng vi rút đã chết hoặc bị làm suy yếu để tạo ra phản ứng kháng thể cho cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn vắc xin Covid-19 hiện tại, đặc biệt là những loại đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ, là vắc xin dạng mRNA.
Đây là loại vắc xin mới, không chứa vi rút mà chỉ chứa các mRNA, mang theo các mã hướng dẫn cách tạo ra loại protein đột biến cho tế bào của con người, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể.
3. Tác dụng phụ thường gặp là gì?
Giáo sư Oster cho hay so với những loại vắc xin khác, người tiêm vắc xin Covid-19 đang gặp phải nhiều tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên, đây vẫn là những tác dụng phụ điển hình khi cơ thể người chủng ngừa.
Thông tin từ tập san Science Magazine cho thấy các tác dụng phụ tiêu biểu trên những người đã tiêm phòng vắc xin ở Mỹ là mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau đầu. Trong đó, những triệu chứng này ở nhóm bệnh nhân tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech được báo cáo thấp hơn của Hãng Moderna.
4. Liệu vắc xin có thể chấm dứt đại dịch?
Đại diện dự án COVID-Explained cho hay ngay cả khi có đủ vắc xin cho cả thế giới, đại dịch này cũng sẽ kết thúc rất từ từ. Một phần nguyên nhân là do việc chủng ngừa sẽ không thể có hiệu quả ngay lập tức. Thêm vào đó, việc tiêm chủng vắc xin trên diện rộng sẽ mất rất nhiều thời gian. Một vài đối tượng đặc biệt như trẻ em hay phụ nữ mang thai cũng có thể được chủng ngừa muộn hơn, nhằm đảm bảo tính an toàn.
Các nhà nghiên cứu lưu ý cần từ 70 - 80% dân số được tiêm chủng mới có thể đạt được tình trạng “miễn dịch cộng đồng”, từ đó làm chậm sự lây lan của đại dịch, và chắc chắn điều này khó lòng đến sớm.
Hiện tại, cách tốt nhất mà mỗi cá nhân có thể làm để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng - trong lúc chờ đợi vắc xin là kiên nhẫn, rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, không tụ tập đông người và khai báo y tế khi đi về từ vùng dịch.
|
Bình luận (0)