Giao thừa đón những tiếng khóc khai sinh

24/01/2020 14:27 GMT+7

Những chuyến xe vẫn đưa sản phụ tấp nập vào bệnh viện trong đêm 30 tết , nơi mọi hoạt động đều quay quanh tiếng khóc của em bé chào đời.

Những ca sinh đêm 30

Đêm 30 tết, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), trong những chuyến xe cấp cứu chuyển bệnh từ tuyến trước đến, có một trường hợp khá hy hữu. Đó là sản phụ mang song thai. Chị đã sinh bé gái thứ nhất ở tuyến trước lúc 23 giờ 50 phút, còn bé thứ hai trong tử cung không sinh được nên được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Khám lại, bé thứ hai ngôi ngang, ối đã vỡ, cổ tử cung đã thu nhỏ lại. Thế nên, bác sĩ quyết định mổ.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM): “Nhìn thấy gương mặt của đứa trẻ chào đời và niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng đón nhận em bé ngay đúng thời điểm giao thừa là ấn tượng không thể phai được. Những giao thừa như vậy luôn làm tôi vô cùng xúc động!”.
Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM): “Các bác sĩ đều rất vui mừng khi đón các bé ra đời mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông ngay trong giờ khắc giao thừa thiêng liêng. Đó cũng là niềm hy vọng năm mới thành phố chúng ta đón những công dân mới khỏe mạnh”.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM): “Vào ngành y, 30 năm trong nghề, số lần đón giao thừa cùng gia đình chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sáng mùng một, ra ca, trở về nhà, người mệt đừ nhưng vui và hạnh phúc. Niềm hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được!”.
“Tôi còn nhớ đã ôm ra một bé trai nặng 2,8 kg kháu khỉnh chào đời lúc 0 giờ 40 phút. Như vậy, hai chị em song sinh nhưng lại “cầm tinh” khác nhau (khác tuổi ta), cách sinh khác nhau (bé chị sinh thường, bé em sinh mổ), có hai nơi sinh khác nhau”, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ, kể.

Dù giao thừa hay lễ tết, các y bác sĩ, hộ sinh vẫn tất bật

Ảnh: Nguyên Mi

Bác sĩ Lê Tiểu My, Khoa Phụ sản - Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM), nhớ lại: “Một bệnh nhân dọa sinh non đang điều trị tại bệnh viện. Buổi sáng, sản phụ còn mong qua giao thừa mới sinh để em bé không bị “tuổi oan” gì đó. Đến chiều thì cô ấy đau nhiều hơn, chuyển dạ, rồi đến đêm thì sinh. Người mẹ trẻ vừa la khóc, vừa oằn mình rặn sinh, vừa nắm chặt tay bác sĩ năn nỉ hãy cố cứu lấy em bé”.
Sản phụ sinh non khi thai mới 28 tuần, lại sinh khó. Thế nên, các bác sĩ và hộ sinh vừa phải hướng dẫn, động viên chị rặn sinh, vừa chuẩn bị các phương án sẵn sàng cấp cứu. Bé trai vừa ra đời đã cất tiếng khóc rất to, bất giác, bác sĩ cũng khóc theo, vì tiếng khóc ấy báo rằng em bé khỏe, tiên lượng tốt. Em bé sinh non, cân nặng chưa đầy 1 kg, phải được chăm sóc đặc biệt. “Chiến binh nhỏ” đã dũng cảm vượt qua những ngày khó khăn và sau đó xuất viện bụ bẫm, khỏe mạnh.
Vợ chồng anh Đặng Hùng Cửu Đỉnh và chị Nguyễn Thị Thục Đoan (ở quận 7, TP.HCM) cũng đã có cái tết đáng nhớ trong Bệnh viện Từ Dũ, chào đón con gái đầu lòng ra đời ngay đúng giao thừa. Trong khi nhà nhà lục tục mâm ngũ quả, bánh mứt, lễ cúng giao thừa thì vợ chồng anh chị soạn đồ đi sinh. “Vợ chồng đã lớn tuổi và mong muốn có con nên chỉ cần con sinh ra khỏe mạnh là mừng lắm rồi chứ cũng không quan tâm đầu năm, cuối năm hay tuổi gì. Vợ chồng mong chờ được gặp con chứ cũng không quan tâm tết nhất ra sao”, anh Đỉnh bộc bạch.

“Thời khắc đó, không biết giao thừa là gì !”

Bác sĩ Khánh Trang chụp hình kỷ niệm với gia đình sau khi đỡ sinh ngay đêm trực tết

Ảnh: NVCC

“Khi tập trung công việc thì bác sĩ không để ý xung quanh và cũng không biết giờ giấc thế nào. Chỉ khi đỡ xong, kéo em bé ra, ngước mặt lên thì thấy mọi người vỗ tay, chúc mừng, lúc đó mới phát hiện là vừa qua giao thừa. Vừa vui nhưng cũng hơi chạnh lòng vì thoáng nghĩ đến gia đình mình”, tiến sĩ - bác sĩ Bùi Chí Thương, Bệnh viện Từ Dũ, giảng viên bộ môn phụ sản, Trường đại học Y Dược TP.HCM, tâm sự.
“Mỗi ca sinh là rất quan trọng với sản phụ. Thế nên, với bác sĩ thì ngày nào cũng như ngày nào, đêm giao thừa cũng như mọi đêm trực. Thời khắc đó, không biết giao thừa là gì! Có lẽ, trên đời này, cho dù mọi việc đều có thể chủ động được thì chỉ có mỗi việc sinh nở tự nhiên là không thể chủ động. Sản phụ có thể cần đến bác sĩ bất cứ lúc nào”, bác sĩ Thương nói.
“Mọi hoạt động của bệnh viện và các y bác sĩ, nhân viên y tế đều được duy trì bình thường”, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nói. Các bác sĩ vẫn chỉ chào nhau khi vô và ra ca trực (mỗi ca trực 12 giờ) và đặc biệt là… “không chúc nhau gì hết trơn”, theo lời bác sĩ Trang. “Đối với bác sĩ thì mong muốn lớn nhất là không có bất trắc gì xảy ra với bệnh nhân”, bác sĩ Trang trải lòng.
Trong dịp tết, những đêm giao thừa ở bệnh viện, các bác sĩ phải làm việc nhiều hơn, đặc biệt là các bệnh viện lớn, tuyến cuối vì một lượng lớn “trợ thủ” là sinh viên y khoa, các bác sĩ tuyến dưới lên học nâng cao đều được về. Mặt khác, nhiều ca nặng cũng nhanh chóng được bệnh viện tuyến dưới chuyển thẳng lên tuyến trên.
Có những gia đình cả hai vợ chồng và con đều là bác sĩ. Có những cặp vợ chồng đều là bác sĩ, nhiều lúc 7 ngày thì hết 4 ngày đêm hai vợ chồng không hề chạm mặt vì đi trực trái ca. Con cái từ nhỏ đã quen với việc ba mẹ đi trực và cũng quen với việc lễ tết hay giao thừa không có ba hoặc mẹ, hoặc cả hai ở nhà. Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết, gia đình ông là một trong những gia đình “hoàn cảnh” như thế. Đến giờ, con trai lớn sắp ra làm bác sĩ và cũng đã vào guồng quay những ca trực. “Mình đi làm về nhà thấy không có xe của nó là biết tối nay nó đi trực”, ông nhẹ nhàng nói. Trong nhà, việc đi trực đêm, trực lễ tết đã thành nếp thường ngày của cả gia đình.
“Đối với gia đình tôi, ngày nào có đầy đủ mọi người ở nhà thì đó là ngày đặc biệt. Sẽ nấu nướng món gì ngon hơn chút, nhiều hơn chút và thức khuya hơn chút, trò chuyện bên nhau”, bác sĩ Trang chia sẻ.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, tối 30 tết, bệnh viện tổ chức một buổi tiệc nhẹ để đón “giao thừa sớm” cho các y bác sĩ, nhân viên cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc cuối năm. Đến 23 giờ, mọi người lại về với công việc của mình. Thời khắc giao thừa, những chuyến xe vẫn đưa sản phụ vào bệnh viện. Bên ngoài dù pháo hoa rực rỡ, không khí rộn ràng thì các bác sĩ trực vẫn tất bật suốt đêm, đỡ đẻ, phẫu thuật, làm bệnh án, thực hiện các thủ thuật… trong tiếng rên rỉ kêu la vì đau, oằn mình chuyển dạ của sản phụ, và trong tiếng em bé khóc oe oe nói lời chào đầu tiên đến thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.