Ngày 17.1, tại miền Trung có 2 BV tuyến quận, huyện được trao danh hiệu BV thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Đó là Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) và Trung tâm Y tế huyện Đông Giang (Quảng Nam), hai đơn vị đạt danh hiệu BV thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc của Bộ Y tế nhờ những nỗ lực thực hiện chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và tư vấn, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.
Hầu hết các hệ thống y tế thường mang lại lợi ích cho nhóm phụ nữ ưu thế trong xã hội hơn những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Tại Việt Nam, vẫn có sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các nhóm dân cư có mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao và thấp, giữa các nhóm dân tộc thiểu số và đa số, và những người sống ở nông thôn và thành thị.
Chính vì vậy, khi 2 bệnh viện tuyến quận, huyện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc đã mang lại cơ hội cho phụ nữ và trẻ sơ sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng ngoại ô được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm có chất lượng.
Trong quá trình vận động sản phụ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, hai trung tâm y tế này vẫn gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến việc tiếp cận thông tin hạn chế, và nhiều phong tục tập quán cổ hủ của các bà mẹ trong việc nuôi con.
Trước đó không lâu, ở Cẩm Lệ, sản phụ còn có quan niệm bỏ sữa non dòng đầu; còn ở Đông Giang, chủ yếu các sản phụ là người dân tộc Cơ Tu vẫn duy trì những phong tục như cho trẻ uống nước cơm thay sữa, ăn cơm từ quá sớm hoặc mẹ đi làm rẫy khi bé chưa tròn sáu tháng tuổi. “Các nhân viên y tế đã tiếp cận, giải thích và cung cấp thông tin nhiều lần với sản phụ, từ lúc làm hồ sơ sinh, lúc sinh và sau sinh mới có thể đảm bảo được tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện hiện tại đạt 94%”, bác sĩ Nguyễn Văn Vinh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), chia sẻ.
Tăng cường môi trường sinh thân thiện cho mẹ và bé
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết động lực để các trung tâm y tế thực hiện tốt quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ chính là những thay đổi tích cực trong sức khoẻ của mẹ và trẻ, là môi trường sinh thân thiện với bà mẹ và trẻ em. Tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, việc thực hiện đúng kỹ thuật lau khô cho trẻ đã giảm 95% bé bị ngạt đường thở và không phải chuyển viện lên tuyến trên. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ bú sớm trong vòng 90 phút sau sinh khi vẫn nằm da kề da trên ngực mẹ ở cả hai đơn vị này đều rất cao, trên 90% đối với sinh thường và sinh mổ.
|
Bên cạnh đó, tại Trung tâm Y tế Quận Cẩm Lệ, còn có phòng sinh thân thiện để người nhà được vào phòng sinh và ở bên cạnh sản phụ trong suốt quá trình sinh; thực hiện không cắt tầng sinh môn thường quy để tránh tổn thương cho bà mẹ và hạn chế tiếp cận sữa mẹ của trẻ, không dùng kháng sinh kéo dài cho mẹ và thực hiện theo dõi sau sinh theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)...
“Nếu các bệnh viện tuyến huyện đều thực hiện tốt chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm như Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ sẽ giảm bớt áp lực cho các bệnh viện tuyến trên, đảm bảo cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế công bằng cho mọi người, đảm bảo quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng bằng sữa mẹ đúng cách theo tiêu chuẩn quốc tế của các trẻ sơ sinh”, bà Yến chia sẻ.
“Là hai trung tâm y tế tuyến huyện, với nguồn lực và cơ sở vật chất hạn chế, nhưng Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ và Trung tâm Y tế huyện Đông Giang đã thực hiện đủ và đúng quy trình sáu bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh theo quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO bao gồm trẻ được lau khô kĩ và ủ ấm ngay sau sinh, kẹp dây rốn muộn, da kề da với mẹ đủ 90 phút liên tục và được bú sớm trong vòng 90 phút đầu sau sinh”, ông Roger Mathisen, Giám đốc Alive & Thrive Đông Nam Á, đại diện dự án sáng kiến dinh dưỡng toàn cầu (do Chính phủ Ireland tài trợ) khẳng định.
Bình luận (0)