Hết cách ly xã hội, bạn vẫn phải tiếp tục phòng dịch Covid-19

25/04/2020 00:02 GMT+7

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hết cách ly xã hội không có nghĩa là đã hết dịch Covid-19 . Mọi người càng cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch Covid-19 khi cách ly xã hội được gỡ bỏ.

Kết thúc thời gian cách ly xã hội, nhiều người đã đặt câu hỏi: “làm gì sau cách ly” và lên danh sách những việc muốn làm như đi cắt tóc, gặp gỡ, hẹn hò bạn bè, đi chơi, đi ăn uống,... Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, hết cách ly xã hội không có nghĩa là đã hết dịch Covid-19. Mọi người càng cần phải tiếp tục thực nghiêm túc các biện pháp phòng dịch Covid-19 khi cách ly xã hội được gỡ bỏ.

Trăm việc muốn làm sau cách ly

Sau khi hết cách ly xã hội, phố xá tại TP.HCM đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Lượng xe và người ra đường nhiều hơn. Bên cạnh việc đi làm, nhiều người đã rất hân hoan và có kế hoạch những việc thực hiện, những nơi sẽ đi khi quy định cách ly xã hội đã được gỡ bỏ.
Anh Nguyễn Anh Minh (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Dự định việc đầu tiên làm khi được gỡ bỏ cách ly xã hội là đi… cắt tóc. Mà không biết tiệm cắt tóc có được mở cửa chưa”. Trong khi đó, chị Bùi Thanh Hoa (ngụ Q.7, TP.HCM) thì chia sẻ: “Rất thèm phở. Muốn hẹn hò bạn bè ngồi cà phê cóc vỉa hè, “tám” chuyện”.

Càng nới lỏng cách ly xã hội thì phải càng quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch với mỗi cá nhân và trong cộng đồng, chứ không phải hết cách ly xã hội là mọi người có thể sinh hoạt thoải mái vì dịch Covid-19 vẫn còn. Hết cách ly xã hội không phải là đã hết dịch Covid-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Ghi nhận tại các công viên, nơi công cộng tại TP.HCM, nhiều người dân đã đi dạo, tập thể dục. Tại khu vực Bưu điện Thành phố, Công viên 30.4, đã có các bạn trẻ ngồi “tám” chuyện gần nhau và không đeo… khẩu trang.

Nhóm bạn trẻ tụ tập chụp hình lưu niệm ngay thời khắc TP.HCM kết thúc cách ly xã hội

Ảnh: Khả Hòa

Tại Hà Nội, Đà Nẵng, nhiều hàng quán đã đông khách trở lại. Sau 3 tuần 'nhịn' cắt tóc, nhiều người dân Hà Nội đã đi cắt tóc ngay khi hết cách ly xã hội khiến các tiệm cắt tóc trở nên đông đúc.
Các chuyên gia cảnh báo, kết thúc thời gian cách ly xã hội không có nghĩa là đã hết dịch Covid-19. Vì vậy, mọi người không nên chủ quan mà vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Càng cần nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng dịch

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định: Khi nới lỏng, hết cách ly xã hội thì có những vấn đề nguy cơ cần lo ngại là: SAR-CoV-2 có thể lây tùm lum nếu có mầm bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng; và nếu virus lây lan nhanh và rộng, với nhiều bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng thì y tế sẽ quá tải. Khi y tế quá tải thì bệnh sẽ càng lây nhanh và tất yếu sẽ có ca tử vong.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM): Thực hiện tốt và nghiêm túc cách ly xã hội là biện pháp hiệu quả để khống chế, ngăn dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trong cộng đồng nếu có nhóm người chủ quan, không thực hiện tốt cách ly xã hội thời gian qua thì virus vẫn còn có kẽ hở tồn tại và tiếp tục lây lan trong những nhóm người không thực hiện. Đó là nguy cơ tiềm ẩn có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại khi cách ly xã hội được nới lỏng.

Tiệm cắt tóc ở Hà Nội đông nghịt do nhiều khách đến cắt tóc sau 3 tuần cách ly xã hội

Ảnh: Dương Lan

Đặc biệt, có nhiều phát hiện cho thấy Covid-19 có thể lây truyền trong thời gian người nhiễm không triệu chứng; thời gian ủ bệnh có khả năng kéo dài hơn 14 ngày; xuất hiện những bệnh nhân dương tính lại sau khi đã điều trị; chưa có vắc xin và thuốc đặc trị.
“Vì vậy, mọi người không được chủ quan. Sau cách ly xã hội, người dân vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Bác sĩ Khanh hướng dẫn, hiện giờ, khi đã hết cách ly xã hội, để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì vẫn cần thực hiện các biện pháp:
Cách ly người nhập cảnh vì ở các nước dịch bệnh vẫn tiến triển phức tạp.
Nếu trong cộng đồng vẫn còn sót nguồn lây do cách ly xã hội không nghiêm túc, tức có thể có F0 mà không xác định thì quan trọng nhất là mọi người vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Đặc biệt, bảo vệ phòng bệnh với người lớn tuổi và người có nguy cơ cao.
“Vẫn phải đeo khẩu trang, không tụ tập, ít ra đường... vì vẫn chưa hết dịch Covid-19”, thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), lưu ý.
“Càng nới lỏng cách ly xã hội thì phải càng quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch với mỗi cá nhân và trong cộng đồng, chứ không phải hết cách ly xã hội là mọi người có thể sinh hoạt thoải mái vì dịch Covid-19 vẫn còn. Hết cách ly xã hội không phải là đã hết dịch Covid-19”, bác sĩ Khanh cảnh báo.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), lưu ý các biện pháp phòng bệnh Covid-19:
 - Đeo khẩu trang
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn
- Giữ khoảng cách khi tiếp xúc tối thiểu 2 mét, không tụ đông người; cần biết rõ người tiếp xúc (có bị bệnh không, đã từng đi đâu,…).
- Có thể ghi lại lịch trình đi, sinh hoạt hằng ngày để dễ dàng xác định, nhận biết nếu mình có tiếp xúc với F0, F1 trong trường hợp cộng đồng vẫn còn sót nguồn lây do cách ly xã hội không nghiêm túc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.