Hợp tác công - tư trong y tế: Nhà đầu tư tư nhân than... lỗ

Duy Tính
Duy Tính
21/05/2019 20:36 GMT+7

Cần làm rõ ra các hình thức, mô hình hợp tác PPP, vì hiện nay các cơ chế pháp lý chưa có. Vì chưa có sơ sở pháp lý nên các đơn vị rất lo lắng khi bị thanh tra, kiểm toán.

Ngày 21.5, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tập huấn đối tác công tư trong y tế ((PPP - Public Private Partnership) cho các lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP.HCM. Hội nghị do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tài trợ.

Thiếu nhân lực, lỗ...

Tại TP.HCM hiện nay có nhiều đơn vị y tế nhà nước hợp tác với tư nhân. Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An hợp tác. Sau 6 tháng hoạt động, Bệnh viện Gia An 115 “than” khó do thiếu nguồn lực, bảo hiểm y tế chi thấp.
Còn đại diện Công ty cổ phần y tế Việt Anh đầu tư chuỗi Phòng khám DHA tại các trạm y tế thì cho rằng, qua 2 năm hoạt động đến nay, thu chưa đủ bù chi nên lỗ. Người dân thì thích đi bệnh viện khám, chữa bệnh hơn ra trạm y tế…
Chuyên gia tư vấn về PPP Trần Duy Hưng cho biết hiện trên cả nước Việt Nam có khoảng 73 dự án PPP y tế. Tuy nhiên mới chỉ có 15 dự án đã có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó có 6 dự án triển khai đến bước lựa chọn nhà đầu tư. Trong số 15 dự án nghiên cứu tiền khả thi, có đến 9 dự án tại TP.HCM.
Ông Hưng đánh giá việc triển khai PPP y tế tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mới chỉ dừng lại ở bước thăm dò chứ chưa thật sự trở thành làn sóng. Nguyên nhân là do việc triển khai các dự án PPP vẫn thiếu mục tiêu và chiến lược rõ ràng. Chưa thể xác định phần đóng góp của khối công lập như đất, thương hiệu, nhân lực... thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước khiến cho dự án bị trì hoãn, kéo dài.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến cán bộ y tế, giá dịch vụ, bảo hiểm y tế, thuốc...
Trở ngại lớn nhất: Các quy định pháp luật chưa rõ ràng 
Ông Hưng đưa ví dụ dự án Bệnh viện đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh) dù đã tìm được nhà đầu tư theo hình thức BOO (BOO - là 1 trong 5 hình thức của PPP, gọi là xây dựng - sở hữu - vận hành), nhưng khi triển khai đã không nhận được sự đồng thuận của nhân viên bệnh viện. Do đó nhà đầu tư rút lui và dự án bị dừng lại.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyên, chuyên gia tư vấn PPP, nhìn nhận PPP trong y tế hiện nay còn nhiều trở ngại mà lớn nhất là các quy định pháp luật của nhà nước về hình thức này chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư chưa biết được chắc chắn dòng tiền bỏ ra có mang lại lợi nhuận hay không.
Bên cạnh đó, thực tế có nhiều giám đốc bệnh viện, nhân viên y tế, nhóm lợi ích hưởng lợi từ bệnh viện công không muốn tiếp nhận đầu tư PPP bởi lo sợ ảnh hưởng quyền lợi....
Theo ông Nguyên, PPP y tế trong giai đoạn hiện nay là hướng đi tốt nhưng khá mới mẻ đã gây tâm lý lo sợ cho các cấp quản lý nhà nước như sợ bị qua mặt, không kiểm soát được, sợ tiêu cực, sợ nhà đầu tư chỉ lo kiếm lời mà không quan tâm chăm lo bệnh nhân nghèo...
Tuy nhiên. cần có những mô hình thí điểm sau đó nhân rộng, điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế theo quan điểm cả hai bên cùng có lợi.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng không ít bệnh viện gặp khó khăn và ngày càng đi xuống khi không đủ tiềm lực, trình độ chuyên môn để thu hút người bệnh, khó nhất là nguồn vốn đầu tư để nâng cấp, phát triển bệnh viện trong bối cảnh tự chủ tải chính.
Theo ông Thượng, PPP là cơ hội để các bệnh viện mạnh dạn tìm hướng đi cho riêng mình. Tuy nhiên, hợp tác như thế nào, hợp tác đến đâu để vẫn đảm bảo mục tiêu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân là điều mà các bệnh viện cần cân nhắc.
Tuy nhiên, theo ông Thượng cần làm rõ ra các hình thức, mô hình hợp tác PPP, vì hiện nay các cơ chế pháp lý chưa có. Vì chưa có sơ sở pháp lý nên các đơn vị rất lo lắng khi bị thanh tra, kiểm toán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.