Ngày 20.5, Sở Y tế TP.HCM đã công bố và trao quyết định bổ nhiệm Ban giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (CDC).
Theo đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, được Sở Y tế bổ nhiệm làm Giám đốc CDC. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc Trung tâm tuyền thông và giáo dục sức khỏe TP, và bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP, được được bổ nhiệm Phó giám đốc CDC. Thời gian giữ các chức vụ trên là 5 năm.
CDC là trung tâm trực thuộc Sở Y tế TP được thành lập theo quyết định 381 ngày 28.1.2019 của UBND TP về tổ chức lại các trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, gồm: Trung tâm y tế dự phòng TP, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế.
Theo lộ trình, trong năm 2019 CDC sẽ tiến hành sáp nhập 6 trung tâm và từ tháng 1.2020 sáp nhập tiếp Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế.
Ngày 7.3.2019, Sở Y tế TP đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của CDC. CDC có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn TP.
CDC được giao 18 nhiệm vụ tương ứng với 7 trung tâm hợp thành. CDC có 3 phòng chuyên môn và 12 chuyên khoa. Gồm: Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm; Khoa Dinh dưỡng; Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe; Khoa sức khỏe môi trường - Y tế trường học; Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng; Khoa Dược - Vật tư y tế; Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng; Khoa Phòng, chống HIV/AIDS; Khoa Bệnh nghề nghiệp; Khoa Sức khỏe sinh sản; Phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
Sau khi được bổ nhiệm, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC, cho biết mô hình CDC mang lại hiệu quả tích cực mà các nước trên thế giới, mà tiên phong là Mỹ thực hiện.
tin liên quan
Nguy cơ đột quỵ ở người trẻCDC có chức năng dự phòng, triển khai, giám sát, phát hiện những bệnh tật trước khi xảy ra, những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người, môi trường…
“Việc sáp nhập lại những đơn vị hoạt động y tế cộng cộng, y học cộng đồng vào CDC để tạo mối liên kết chặt chẽ từ TP đến quận huyện, phường xã; vừa tinh gọn bộ máy, vừa tinh nhuệ, tập trung đầu mối thực hiện nhiệm vụ, chắc chắc mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tương lai, CDC TP sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin, liên kết từ thông tin bệnh viện đến CDC, từ cộng đồng (phường xã, dân cư) đến CDC, trên cơ sở đó sẽ dự báo, cảnh báo tình hình bệnh tật trong cộng đồng”, bác sĩ Dũng nói.
Bác sĩ Dũng nhấn mạnh thêm vai trò lớn nhất của CDC là nắm được mô hình dữ liệu bệnh tật của cộng đồng, phát hiện sớm bệnh tật, tổ chức xử lý sớm những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người trước khi xảy ra từ dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng, yếu tố tác động môi trường, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe dinh dưỡng…
Theo đề án UBND TP triển khai, trước mắt là sự kết hợp nguyên trạng, còn theo lộ trình lâu dài là sẽ sắp xếp và tổ chức lại một cách hài hòa, tinh gọn nhưng hiệu quả. Một đến 2 tháng tới sẽ tiến hành giải thể và sáp nhập các đơn vị vào hệ thống CDC.
Hiện nay, khi mới thành lập, CDC lấy trụ sở chính tại 699 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5 (hiện là trụ sở của Trung tâm y tế dự phòng TP). Cơ sở mới của CDC TP đang được xây dựng tại Q.8.
Bình luận (0)