Làm thế nào nhận biết bị đục thủy tinh thể?

25/03/2017 09:01 GMT+7

Kể từ tuổi 40, thủy tinh thể bắt đầu bớt đàn hồi và giảm tính trong suốt. Đây là một phần của tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

Đục thủy tinh thể hay cườm khô là một
Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm trong nhãn cầu, có chức năng như một thấu kính hội tụ, cho phép ánh sáng đi qua hội tụ vào võng mạc tạo nên hình ảnh sắc nét và tham gia quá trình điều tiết của mắt. Khi thủy tinh thể mất đi tính trong suốt tự nhiên thì gọi là đục thủy tinh thể, mà dân gian hay gọi là cườm khô.
Theo PGS-TS-BS Trần Hải Yến - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt (TP.HCM), đục thủy tinh thể có thể do bẩm sinh, do sử dụng thuốc tự ý không có chỉ định của bác sĩ, do bệnh lý toàn thân phải sử dụng nhóm steroids trong quá trình điều trị như bệnh Lupus đỏ hệ thống, viêm khớp mãn tính, bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, đục thủy tinh thể còn được hình thành do các yếu tố nguy cơ khác như: hút thuốc lá, làm việc hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt mà không đeo kính chắn tia cực tím, làm việc tiếp xúc trực tiếp với ánh đèn hồ quang, tia lửa hàn... Trong tất cả các yếu tố kể trên, yếu tố thường gặp nhất của đục thủy tinh thể là do tuổi tác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đục thủy tinh thể tuổi già chiếm 48% trong số các bệnh nhân mù trên toàn thế giới với khoảng 18 triệu người.

Nhận biết
Bác sĩ Hải Yến cho biết đục thủy tinh thể ở người lớn tuổi xảy ra là do thủy tinh thể vốn được cấu tạo chủ yếu từ nước và protein. Theo thời gian, thành phần protein dần dần bị vón cục lại với nhau tạo thành những vùng mờ đục gây cản trở ánh sáng đi qua.
Khi bệnh mới bắt đầu, bạn có thể sẽ không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào về thị giác. Ở giai đoạn tiến triển, thủy tinh thể đục có thể gây ra các triệu chứng như: nhìn mờ, tối nhưng không đau, thấy màu sắc nhạt hơn trước hoặc hơi ngả sang màu vàng, nhạy cảm với ánh sáng và bị lóa mắt, khó nhìn vào ban đêm hoặc khi ở nơi không đủ ánh sáng, thấy các quầng sáng xung quanh nguồn sáng, nhìn một thành hai ở một mắt nào đó.
Tùy theo loại hình đục thủy tinh thể mà có các biểu hiện khác nhau. Những người lớn tuổi bị lão thị, khi thủy tinh thể bắt đầu đục sẽ làm thay đổi khúc xạ, tạo cận thị, do vậy bệnh nhân bỗng nhiên thấy mình có thể đọc sách mà không cần kính. Nhưng tình trạng này không kéo dài, giai đoạn tiếp theo, thủy tinh thể tiến triển tiếp, đục nhiều, lúc đó bệnh nhân không thể nhìn rõ cả xa lẫn gần. Thủy tinh thể đục cực sau thường làm bệnh nhân chói, mờ nhiều khi ra nắng, nhìn rõ và dễ chịu hơn khi ở trong nhà hoặc trong bóng mát.
Đục thủy tinh thể do tuổi tác không có phương pháp nào phòng ngừa nhưng vẫn có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, như: bỏ thuốc lá, ăn nhiều các chất chống ô xy hóa như đậu lăng, hành, tỏi, rau bina, đậu, phát hiện và điều trị bệnh lý toàn thân, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, đeo kính râm chắn tia cực tím, đeo kính bảo hộ đúng quy cách khi phải làm việc với ánh đèn hồ quang, tia lửa hàn, không tự ý sử dụng các thuốc có thành phần steroids, hạn chế lái xe ban đêm nếu có gặp trục trặc về thị giác về đêm (bị lóa hoặc nhìn thấy quầng hào quang quanh nguồn sáng).

tin liên quan

Thủng mạch máu trên mặt cả năm mới được phát hiện
Ngày 20.2, bác sĩ Hoàng Bá Dũng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết BV đã tiếp nhận bệnh nhân Trương Bá Linh (27 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) trong tình trạng chảy máu mũi lượng nhiều.

Chỉ có phẫu thuật mới khỏi
Cho đến nay, chưa có loại thuốc nào có thể điều trị được đục thủy tinh thể. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất giúp chữa khỏi bệnh này, bác sĩ Hải Yến cho biết.
Bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật khi thị lực bị suy giảm làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt hằng ngày như xem ti vi, đọc sách báo, đi lại khó khăn hoặc trong một số trường hợp tuy thị lực chưa giảm nhiều trong điều kiện ánh sáng phòng nhưng nếu thấy chói và thị lực giảm rõ rệt trong điều kiện ánh sáng chói như khi đi ngoài trời, chói đèn xe ban đêm gây nguy hiểm cho việc lái xe...
Sau phẫu thuật cần kiêng gì?
Theo BS Yến, nếu không có bệnh lý về võng mạc, thần kinh đi kèm, sau phẫu thuật đục thủy tinh thể 1 ngày, thị lực sẽ cải thiện rõ rệt; tuy nhiên để nhìn rõ hơn, sáng hơn, phải chờ 1 tháng sau khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật, vẫn có thể sinh hoạt lại bình thường, nhưng cần tránh một số hoạt động sau trong tuần đầu đến 10 ngày sau mổ: Không dụi mắt, không đi bơi để tránh nhiễm khuẩn do nguồn nước không sạch, tránh khiêng vác đồ nặng, tránh các môn thể thao đối kháng, không nên trang điểm mắt, cẩn thận khi đi ra đường nhiều gió vì bụi bẩn có thể bay vào mắt, tránh nước xà phòng gội đầu rơi vào mắt.

tin liên quan

Bác sĩ ơi: Chỉnh hình giác mạc điều trị cận thị là gì?
Con tôi đang học lớp 9, cận thị 4 độ. Tôi nghe nói hiện nay có phương pháp đeo kính gì đó vào ban đêm để điều trị cận thị mà không phải mổ. Không biết thực hư thế nào, nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi thật rõ để gia đình tôi biết mà quyết định cân nhắc, chọn lựa. Xin cảm ơn! (nguyenhoang@...)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.