Ham “trắng siêu tốc” và cái kết…
Chị T.M.V (sinh viên, 21 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã phải ôm mặt khóc nức nở khi đi gặp bác sĩ với hậu quả là khuôn mặt đầy mụn, sần sùi, đỏ rát. V. đã mất hơn nửa năm đi điều trị khắp nơi để phục hồi lại da mặt cho mình. “Sản phẩm được một bạn bán trên facebook. Bạn mình dùng rồi giới thiệu cho mình là mỹ phẩm tự nhiên, thảo mộc handmade (tự làm), dùng tốt lắm, giúp da trắng sáng nhanh. Thế nên mình mua dùng thử. Dùng một tuần thấy có hiệu quả, da trắng sáng hẳn nên mình dùng luôn”, V. kể.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng thì da V. bắt đầu nổi mụn. Khi ngưng không dùng sản phẩm này thì da V. “xuống cấp” trầm trọng, sần sùi và nổi mụn nhiều hơn. Qua thăm khám, soi da, V. được bác sĩ chẩn đoán là viêm da do nghiện corticoid. Chị phải điều trị kéo dài hơn 3 tháng thì da mới ngừng nổi mụn và lành dần.
Anh T.B.M (nhân viên marketing, 26 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) cũng bị viêm da corticoid sau thời gian dài dùng kem không rõ nguồn gốc. Anh M. cho biết anh thường hay bị ngứa trên da nên trong vòng 7 năm anh đã mua kem trên mạng, không nhớ tên, để bôi trị ngứa.
Thời gian đầu, thấy da sạch mụn nên anh M. cứ tiếp tục mua bôi liên tục. Sau đó, anh đã có vài lần ngưng bôi kem này. Tuy nhiên, khi ngừng bôi vài ngày thì chứng ngứa đỏ xuất hiện. Sau đó, da chảy nước vàng, đóng mày dày cứng khắp các vùng da mặt đã từng bôi kem. Vùng da tổn thương này ngày càng lan rộng.
“Khi đó, mình chỉ còn cách bôi lại kem ấy thì hiện tượng trên mất đi, không còn lựa chọn khác”, anh M. chia sẻ.
Lạm dụng “độc dược” trộn trong mỹ phẩm
Tại Hội nghị Viêm da corticoid và giải pháp hồi sinh, theo bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, chuyên gia nghiên cứu, điều trị viêm da do corticoid (nguyên giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Y Khoa Hoàng Hạc, Phụ trách chuyên môn của Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam) cho biết hiện nay có rất nhiều trường hợp viêm da corticoid do người dùng lạm dụng corticoid trộn vào mỹ phẩm làm trắng da.
Corticoid là được xếp trong nhóm độc dược bảng B của Bộ Y tế. Chất này là được dùng trong y khoa dưới sự chỉ định và giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Dược chất điều trị chống viêm và chống dị ứng mạnh, có hiệu quả nhanh đối với bất kỳ nguyên nhân nào; dùng trong các trường hợp cấp cứu, sốc phản vệ (dị ứng cấp tính) để điều trị triệu chứng cấp thời vì có tác dụng nhanh.
|
“Corticoid chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ và ngay cả bác sĩ cũng phải đặc biệt cẩn trọng (xem xét đã cần dùng chưa, liều lượng và thời gian dùng) khi dùng thuốc có chứa corticoid. Khi được đưa ra khỏi phạm vi y tế thì corticoid là độc dược gây hại vì những tác dụng phụ, gây nghiện. Chất này càng không được đưa ra dưới dạng mỹ phẩm các kiểu”, bác sĩ Cẩm Anh nhấn mạnh.
Bác sĩ Cẩm Anh cho biết, các mỹ phẩm chứa corticoid làm da đẹp trắng nhanh không tỳ vết nhưng đặc biệt nguy hiểm vì corticoid gây ra biến chứng viêm da tàn phá da mặt và diện mạo người dùng dữ dội.
Viêm da corticoid thường xảy ra từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 4 sau khi ngừng hẳn bôi kem corticoid (dù ngưng dần hay ngưng đột ngột), với các biến chứng nặng nề như: nổi mẩn đỏ li ti, ngứa rát đỏ da; mụn viêm mụn mủ lan tràn; mạch máu dãn nở to gây đỏ da triền miên. Đó là những dấu hiệu của corticoid đang tấn công và da đang lệ thuộc corticoid.
“Người dùng sử dụng mỹ phẩm làm đẹp nhanh, cấp tốc. Làn da trắng lên nhanh chóng nhưng lại là làn da bệnh: rất mỏng, trắng không đều màu, mạch máu giãn, sắc tố sâu màu xanh xám, da căng mượt bất thường (so với vùng da bình thường không bôi mỹ phẩm)”, bác sĩ Cẩm Anh đánh giá.
Cần điều trị lâu dài, đúng chuyên khoa
Theo bác sĩ Cẩm Anh, corticoid làm thay đổi sâu sắc chức năng sống của tế bào nên sinh ra viêm da nhiều hình thái, trong đó có nám, mụn, lão hóa nên nếu áp dụng phương pháp điều trị thông thường sẽ không thể xử lý được.
Việc điều trị và hồi sinh cho làn da bị viêm da corticoid là vô cùng khó khăn và kéo dài (1-3 tháng nếu nhẹ, 3-6 tháng nếu tình trạng vừa và nặng thì đến cả năm), đòi hỏi bệnh nhân phải kiên nhẫn tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Bệnh nhân nhất thiết phải ngừng bôi sản phẩm corticoid, thay vào đó, bác sĩ sẽ làm dịu da để lành viêm bằng sản phẩm bôi không chứa corticoid và điều trị vật lý hỗ trợ. Người bệnh cần bảo vệ da cẩn thận như: chống nắng, chống ô nhiễm, chống chất độc hại, tránh nhiệt (cà phê, bia rượu, gia vị cay), đồng thờic hăm sóc da nhẹ nhàng cẩn thận mỗi ngày (tăng ẩm cho da, tránh mất nước)
Bác sĩ Cẩm Anh khuyến cáo mọi người khi làm đẹp cần chọn lựa mỹ phẩm đúng và tránh mỹ phẩm corticoid bằng cách: cần hiểu về mỹ phẩm mình lựa chọn, không dùng mỹ phẩm không có nhãn hiệu, hoặc nhãn hiệu in mập mờ, không rõ nguồn gốc, đăng ký chất lượng; không dùng các loại dược phẩm uống và bôi da để trị nám, mụn mà không có toa của bác sĩ; không dùng thuốc gia truyền không có nhãn hiệu để chữa những tình trạng da và cơ thể nói chung;…
“Trên cơ sở khoa học, không có một loại kem, mỹ phẩm nào làm cho da trắng nhanh và trắng hoàn hảo “không tì vết”. Da trắng, căng, mịn, không tì vết chỉ có corticoid làm được, ngoài ra không có chất gì có thể làm được”, bác sĩ Cẩm Anh đặc biệt nhấn mạnh.
Bình luận (0)