Bác sĩ ơi: 2 năm bị ngứa, phải làm sao?

Tôi bị ngứa hơn 2 năm nay sau 1 lần uống paracetamol (vì bị sốt). Sau đó đi khám và uống thuốc thì đỡ, nhưng cứ hết thuốc thì lại ngứa.

Ngứa kèm theo mẩn đỏ nếu gãi (sau đó mẩn đỏ lặn mất). Tôi đã đi xét nghiệm về gan nhưng không sao, đã xét nghiệm giun sán dù không bị vẫn uống phòng... đến nay vẫn không hết bệnh. Một bác sĩ da liễu nói tôi phải sống chung với nó và khi nào ngứa thì uống thuốc. Xin bác sĩ tư vấn thêm về trường hợp của tôi. (Trần Vân C., gmail)
Ngứa là vấn đề thường gặp, khi kéo dài thì gây khó chịu và giảm chất lượng sống rất nhiều. Ngứa chủ yếu gặp trong các bệnh ngoài da như: viêm da cơ địa, mề đay, viêm da dị ứng, do nấm… Ngứa cũng có thể do các bệnh nội tạng như: suy thận, suy gan, nhiễm ký sinh trùng…
Một số thuốc cũng gây ngứa như thuốc chữa cao huyết áp (captopril, clonidin), chữa đái tháo đường (metformin), thuốc kháng sinh (amoxicillin, ofloxacine), thuốc chữa rối loạn mỡ máu… Bạn có nhắc đến paracetamol, nhưng thường thì thuốc này không gây ngứa.
Theo mô tả, ngứa có kèm mẩn đỏ và sau đó mẩn lặn mất, thì thường là do mề đay. Mề đay là một bệnh dị ứng, do cơ thể phản ứng với một chất lạ (dị nguyên). Chất lạ đó có thể là thức ăn (thịt bò, gà, hải sản, trứng...), phấn hoa, bụi nhà, côn trùng, cây cỏ… Mề đay cũng có thể do lạnh quá, hoặc nóng quá (nhất là sau khi tập thể dục), mặc quần áo chật quá...
Có rất nhiều lý do gây ra mề đay, mà nhiều khi người ta không tìm được nguyên nhân chính xác nên kết luận là mề đay vô căn, và rất khó chữa, vì mình chẳng biết nguyên nhân để phòng tránh.
Như vậy, những việc bạn cần làm là theo dõi kỹ sinh hoạt cá nhân của mình, xem ngứa xuất hiện lúc nào, ở đâu, sau khi ăn hoặc uống gì, mặc quần áo gì… Ngứa có kèm những dấu hiệu khác không như mẩn đỏ, khô da, mụn nước ở tay chân… Những thông tin này rất cần để bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Ngoài ra, phải đi khám tổng quát, làm thêm xét nghiệm về máu, gan, thận, tuyến giáp…
Vài điều sau đây có thể giúp bạn là: bớt căng thẳng, tránh các chất kích thích như rượu, thức ăn cay nóng, tránh làm khô da (phòng lạnh quá, quạt gió nhiều quá, tắm nước nóng quá…). Nên tắm bằng xà phòng dịu nhẹ, giữ ẩm da. Không mặc quần áo có sợi len hoặc ni lông.
Khi ngứa đừng nên gãi (thật khó nhưng hãy ráng!), vì gãi thì sẽ làm cơ thể tiết nhiều chất histamin gây ngứa nhiều hơn. Nên xoa hoặc vỗ nhẹ tại chỗ, hoặc chườm khăn ấm hoặc lạnh (để qua cơn ngứa); có thể thoa các loại kem có chứa menthol, urea, camphor hoặc trà xanh. Thuốc có corticoid thoa tại chỗ rất hiệu nghiệm nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngứa có thể kéo dài lâu, nhưng thường thì không ai bị suốt đời. Rồi sẽ đến một ngày bạn không còn ngứa!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.