Lao vú - bệnh dễ bị bỏ sót

13/01/2018 08:02 GMT+7

Triệu chứng và biểu hiện tương tự áp xe do vi khuẩn thường gặp, lao vú dễ bị bỏ sót khi chẩn đoán, điều trị.

Bác sĩ cũng có nguy cơ nhầm
Mới đây, một bệnh nhân nữ 23 tuổi được chuyển đến Bệnh viện (BV) Phổi T.Ư (Hà Nội) sau thời gian khá dài được kê đơn kháng sinh điều trị áp xe vú. Bệnh nhân cho hay, sau khi sinh con đầu lòng khoảng hơn 2 năm, trên bầu vú xuất hiện một khối sưng tấy kèm sốt. Sau các đợt điều trị kháng sinh, khối áp xe không khỏi mà vẫn tiến triển thêm, gây rò và chảy dịch.
PGS-TS Bùi Xuân Phú, Phó giám đốc BV Phổi T.Ư, cho hay trước khi đến BV Phổi T.Ư, bệnh nhân này đã qua các đợt điều trị dài bằng kháng sinh nhưng khối áp xe vẫn không khỏi, bệnh nhân vẫn sốt về chiều, tổn thương vú tiến triển nặng hơn. Bác sĩ nghi ngờ nhiễm vi khuẩn lao nên chuyển đến BV Phổi T.Ư để làm xét nghiệm chẩn đoán.
Tại BV Phổi T.Ư, bệnh nhân được xét nghiệm chuyên sâu, xác định bị lao vú và được điều trị theo phác đồ điều trị lao. “Ngay sau tháng đầu tiên, tình trạng bệnh đã được cải thiện rõ rệt, tổn thương vú được kiểm soát, vết rò tại vùng tổn thương bầu vú đã khô se, không còn chảy dịch. Sau khi hoàn thành phác đồ điều trị 8 tháng, bệnh nhân khỏi bệnh”, bác sĩ Phú cho hay.
Bác sĩ Phú chia sẻ, nói đến bệnh lao, cộng đồng thường biết đến bệnh phổ biến nhất là lao phổi và một số thể khác như lao cột sống. Nhưng với cơ thể người, chỉ trừ máu và tóc là không mắc lao, còn các bộ phận, cơ quan khác đều có thể bị lao như: lao tiêu hóa, lao tai, lao cột sống, lao sinh dục… Trong đó, lao phổi dễ nhận biết nhất bởi bệnh có các triệu chứng rõ như: sốt, ho, sụt cân... Còn với lao vú, các triệu chứng ban đầu thường khiến bác sĩ khi khám nghĩ đến tình trạng áp xe do nhiễm khuẩn thường gặp, ít bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn lao khi có triệu chứng sớm ban đầu. Bản thân bệnh nhân càng không nhận biết được, thường đi khám đa khoa hoặc sản phụ khoa.
Nhận biết lao vú
Bác sĩ Phú lưu ý, nên nghĩ đến lao vú và khám chuyên khoa khi có vết thương không do chấn thương, khối áp xe không khỏi, thậm chí vẫn tiến triển gây rò, chảy dịch mặc dù đã được điều trị kháng sinh, kèm theo đó bệnh nhân có sốt về chiều. Vì kháng sinh sẽ có tác dụng, chấm dứt được tình trạng viêm tấy, áp xe với vi khuẩn thường gặp. Còn với vi khuẩn lao cần được điều trị đúng thuốc, đúng phác đồ. Sau một tháng đầu điều trị, vết tổn thương đã có thể khô vết rò. Để điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ đầy đủ việc dùng thuốc, tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo bác sĩ Phú, lao rất dễ lây nên cần được chẩn đoán kịp thời. Phụ nữ điều trị lao không nên mang thai vì thuốc trị vi khuẩn lao gây độc cho cơ thể và thai nhi. Hiện tại, các thiết bị xét nghiệm hiện đại đã cho kết quả xác định nhiễm vi khuẩn lao nhanh, chính xác, chẩn đoán mức độ nặng của bệnh để có phác đồ điều trị lao hiệu quả.
Lao vú là lao ngoài phổi hiếm gặp nguyên nhân do vi trùng lao tấn công vào mô tuyến vú, tại đây vi khuẩn lao sinh sôi và hình thành ổ bệnh. Thông thường vi trùng lao khi vào cơ thể di chuyển theo đường máu đến vú. Có thể người mắc lao vú đã có ổ lao khác trên cơ thể như: lao phổi, lao cột sống… Bệnh lao vú thường gặp ở phụ nữ, chủ yếu ở người đã lập gia đình và đã sinh đẻ.
Để phòng bệnh lao cũng như lao vú, cần chú trọng chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi, lối sống lành mạnh, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể; giữ bầu ngực, mặc áo ngực thoáng, hợp vệ sinh. Nên lưu ý đảm bảo môi trường sống trong lành, thông thoáng vì môi trường ẩm thấp, thiếu ánh sáng tự nhiên là cơ hội cho vi khuẩn lao phát triển lây lan. Tiêm chủng lao (đã được chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tiêm cho trẻ sau sinh) cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Nguồn: Bệnh viện Phổi T.Ư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.