Mỹ xem xét tiêm nhắc vắc xin để phòng biến thể Delta

Ngọc Minh Khuê
Ngọc Minh Khuê
28/06/2021 04:08 GMT+7

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ đang xem xét việc tiêm nhắc vắc xin Covid-19 của Pfizer hoặc Moderna cho những công dân đã tiêm loại vắc xin một liều Johnson & Johnson (J&J/Janssen).

Nguyên nhân là do sự lây lan ngày càng mạnh của biến thể Delta phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky cảnh báo, biến thể Delta có thể nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến nhất ở Mỹ.
Andy Slavitt, cựu cố vấn cấp cao về đại dịch của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã nêu ý tưởng tiêm nhắc này trên podcast (một dạng talkshow trình bày bằng âm thanh) của mình. Rất nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khác cũng lên tiếng thúc giục các cơ quan quản lý của Mỹ cần giải quyết vấn đề này trong thời gian ngắn.
Cách thức bảo vệ chống lại biến thể Delta của vắc xin J&J vẫn đang là đề tài tranh luận. J&J tuyên bố đang kiểm tra xem liệu phản ứng miễn dịch từ loại vắc xin một liều tiêm của họ có khả năng vô hiệu hóa biến thể Delta trong môi trường phòng thí nghiệm hay không, nhưng vẫn chưa có dữ liệu nào được công bố.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa ghi nhận được dữ liệu quan trọng nào cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin J&J đối với biến thể mới. Mặt khác, các nghiên cứu của Vương quốc Anh chứng minh rằng 2 liều vắc xin Pfizer hoặc AstraZeneca có khả năng bảo vệ đáng kể chống lại biến thể Delta.
Một số người Mỹ đã chọn giải pháp tiêm nhắc mà không cần chờ lời khuyên từ các chuyên gia. Canada và một số nước châu Âu cũng đã cho phép người dân tiêm hai mũi Covid-19 từ hai hãng khác nhau.
Reuters ngày 26.6 dẫn lời GS Michael Lin tại ĐH Stanford (Mỹ) nói: “Những người tiêm vắc xin J&J ít được bảo vệ khỏi dịch bệnh hơn những người tiêm 2 liều vắc xin khác”. Trong khi đó, TS Angela Rasmussen, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức vắc xin và bệnh truyền nhiễm của ĐH Saskatchewan (Canada), chia sẻ trên Twitter rằng đã nhận được thêm một liều vắc xin Pfizer trong tuần này sau khi tiêm J&J vào tháng 4 vừa qua. Bà Rasmussen khuyến khích những người Mỹ đã tiêm vắc xin J&J nên tham khảo với bác sĩ về khả năng có thể tiêm mũi thứ hai.
CDC Mỹ hiện không khuyến nghị tiêm nhắc và các cố vấn của cơ quan này cho biết tại một cuộc họp công khai rằng chưa có bằng chứng cho thấy vắc xin bị giảm khả năng bảo vệ. Theo dữ liệu ngày 27.6 trên website của cơ quan này, 45,8% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ.
Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) đang tiến hành một cuộc thử nghiệm để xác định nhu cầu tiêm nhắc. TS John Beigel đang công tác tại NIAID nói với Reuters rằng cơ quan này hy vọng sẽ có đủ dữ liệu đó vào tháng 9 để kiến nghị các nhà quản lý ra quyết định. Ông John Beigel cũng nói rằng nếu số lượng ca nhiễm và nhập viện do biến thể Delta gia tăng đáng kể, thì quyết định có thể được đưa ra mà không cần dữ liệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.