PGS - TS - bác sĩ (BS) Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang đứng thứ 3 trong các bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người (sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim). Ước tính cứ mỗi 10 giây trên thế giới lại có một người tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Hô hấp Việt Nam, bệnh gây ra hơn 25.000 ca tử vong/năm - nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông. Đặc biệt, theo Hội Hô hấp châu Á Thái Bình Dương, tỉ lệ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người trên 35 tuổi tại Việt Nam cao nhất khu vực. Trong số những bệnh nhân (BN) mắc COPD có đến 19,5% BN ở mức độ nặng và rất nặng.
Ghi nhận tại phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TP.HCM), nhiều BN phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện nhiều lần do đợt cấp phải dùng nhiều kháng sinh mạnh kèm theo corticoid lặp đi lặp lại. Bệnh nặng kèm tác dụng phụ của thuốc điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác như: lao phổi, teo cơ, đái tháo đường, viêm phổi, trầm cảm, loét dạ dày, mỏng da, xuất huyết, cườm mắt, loãng xương...
“Nhiều trường hợp không biết mình mắc bệnh và có thể tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong khi đó, bệnh có thể được phòng ngừa một cách hiệu quả và điều trị sớm”, BS Lan đánh giá.
Sống trong lành, phòng ngừa bệnh
BS Lan khuyến cáo có nhiều nguyên nhân khiến BN mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, gồm: ô nhiễm không khí, hút thuốc lá và thuốc lá điện tử. Những người có tiền sử bệnh lao, sống làm việc trong môi trường nhiều khói thuốc, bị hen suyễn kéo dài,... cũng có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Để phòng ngừa bệnh, các chuyên gia hô hấp khuyên nên hạn chế các hoạt động ngoài trời tại các khu vực bị đánh giá ô nhiễm cao; sử dụng khẩu trang, mặt nạ chuyên dụng ngăn ngừa bụi, đặc biệt là bụi mịn khi đi ra ngoài, hay vào khu vực ô nhiễm; hạn chế hút thuốc lá và thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sức khỏe, miễn dịch bằng chế độ dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý: uống nhiều nước và ăn các loại rau xanh hay trái cây giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, quýt…); uống thêm sữa; tập thể dục đều đặn; phơi nắng sáng (khoảng 8-9 giờ sáng); bổ sung kẽm, omega 3 là những chất bảo vệ đường thở hữu hiệu. Chích ngừa cúm và viêm phổi cũng là một cách phòng bệnh. Mặt khác, cần cải thiện không khí trong nhà và môi trường xung quanh. Các loại cây trồng có thể thanh lọc không khí trong nhà như: lưỡi hổ, nha đam, trầu bà. Bỏ thói quen đốt rác, lá cây, gỗ, các sản phẩm nông nghiệp… vì những tác nhân này là nguy cơ cao cho bệnh COPD.
“Ngay khi cảm thấy khó thở, đau ngực hay khó chịu ở mắt, người dân nên đi khám BS để kiểm tra sức khỏe hô hấp”, BS Lan khuyến cáo.
Bình luận (0)