Theo tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế, điều kiện để người nhiễm Covid-19 được cơ quan có trách nhiệm quyết định cho cách ly, theo dõi tại nhà gồm: không triệu chứng hoặc có triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút), trẻ em phải trên 12 tháng tuổi và người trưởng thành phải dưới 50 tuổi.
Bên cạnh đó, người nhiễm Covid-19 chỉ được điều trị tại nhà khi: Không đang trong thai kỳ (đối với phụ nữ) và không mang các bệnh lý nền như: Đái tháo đường; bệnh phổi, bệnh thận mạn tính; ung thư; từng cấy ghép tạng hoặc tế bào gốc tạo máu; béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch; bệnh lý mạch máu não; hội chứng Down; HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); bệnh huyết học mạn tính (bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia...); hen phế quản; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch; người mắc các bệnh hệ thống.
Trong trường hợp là bệnh nhi thì không mắc tăng áp phổi nguyên, thứ phát; bệnh tim bẩm sinh; rối loạn nội tiết bẩm sinh hoặc mắc phải; rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh thì mới được xét quyết định cho cách ly, theo dõi tại nhà.
Ngoài ra, người bệnh phải có khả năng tự chăm sóc bản thân (tự ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân...); biết cách đo thân nhiệt; có khả năng tự dùng thuốc theo toa của bác sĩ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát thông qua các phương tiện như điện thoại, máy tính...
Trong trường hợp người nhiễm Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người bệnh, hỗ trợ bệnh nhân cách ly, theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, nên hạn chế số lượng người chăm sóc để phòng lây nhiễm chéo.
Bình luận (0)