Nguy cơ trầm cảm ở giới trẻ do mạng xã hội

31/03/2019 04:26 GMT+7

Nghiên cứu mới đây kết luận rằng giới trẻ có nguy cơ bị trầm cảm, ý nghĩ tự sát cao hơn thế hệ cha mẹ, và mạng xã hội là một trong những yếu tố gây ra xu hướng đáng báo động này.

Trong giai đoạn 2009 - 2017, tỷ lệ người ở độ tuổi 18 - 25 có triệu chứng trầm cảm và ý nghĩ tự sát tăng 63%, theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí chuyên ngành tâm lý học Journal of Abnormal Psychology.
Dù vậy, cũng trong cùng giai đoạn, thế hệ lớn hơn 25 tuổi và bậc cha mẹ của những người trẻ này không có xu hướng gia tăng về nguy cơ trầm cảm như vậy. Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học bang San Diego (Mỹ) đưa ra kết luận trên sau khi phân tích và đánh giá dữ liệu cuộc khảo sát thường niên trong vòng 10 năm qua.
Bà Jean Twenge, trưởng nhóm nghiên cứu - giáo sư tâm lý học thuộc Đại học bang San Diego, nhận định mạng xã hội là một yếu tố dẫn đến xu hướng đáng báo động này, khiến giới trẻ dễ dàng bị rối loạn cảm xúc.
Bên cạnh đó, Giáo sư tâm lý học Ian Gotlib thuộc Đại học Stanford loại trừ yếu tố di truyền học bởi hiện nay tỷ lệ người trẻ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng nhanh chóng, theo tờ USA Today.
“Rõ ràng có sự tương quan: sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của mạng xã hội diễn ra cùng lúc tỷ lệ giới trẻ bị trầm cảm gia tăng nhanh”, ông Ian nói.
Hồi tháng trước, Hãng Pew công bố kết quả cuộc khảo sát cho thấy 70% thanh thiếu niên Mỹ tin rằng rối loạn lo âu và trầm cảm là vấn đề đáng lo ngại hơn bị bắt nạt hay lạm dụng chất kích thích, rượu bia.
“Các nghiên cứu trước đây cũng từng cảnh báo về tác hại của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn về vấn đề lạm dụng giao tiếp thông qua mạng xã hội hơn trực tiếp (mặt đối mặt) ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý dẫn đến rối loạn cảm xúc”, chuyên gia Twenge nhấn mạnh.
Ngoài ra, giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo việc sử dụng smartphone quá nhiều có nguy cơ thay đổi hành vi con người.
Kết quả cuộc khảo sát hành vi sử dụng điện thoại của Hãng Deloitte năm 2018 phát hiện một người Mỹ trung bình kiểm tra điện thoại 80 lần/ngày và con số không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.
Đáng chú ý, 10% trong số 2.000 người Mỹ tham gia khảo sát thừa nhận mỗi ngày xem điện thoại khoảng 300 lần.
Các chuyên gia đề xuất nhiều biện pháp nhằm ngăn mạng xã hội và lạm dụng smartphone tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ, theo Newsweek. Trước hết, cha mẹ nên trò chuyện với con cái, đồng thời chú ý đến thói quen sử dụng thiết bị điện tử và mạng xã hội của chính mình và của các con.
Bên cạnh đó, xu hướng “thải độc điện tử” ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ cùng nhiều nước khác thời gian gần đây. Để “thải độc điện tử”, nhiều gia đình thực hiện không dùng smartphone, điện thoại và truyền hình trong vòng 3 ngày hoặc hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.