Nhiều trường hợp thủng ruột do nuốt tăm xỉa răng, xương cá mà không biết

18/01/2018 17:25 GMT+7

Chỉ trong chưa đầy một tháng, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đã tiếp nhận, phẫu thuật nội soi gắp dị vật trong ổ bụng cho 3 người bệnh bị tăm xỉa răng và xương cá đâm xuyên thành ruột.

Đáng lưu ý, người bệnh trong những trường hợp này đều không biết mình đã nuốt dị vật như thế nào.
Đau nhói hông, bụng không rõ nguyên nhân
Bị đau nhói vùng hông không rõ lý do gần 10 ngày, anh Đ.N.M (Q.4, TP.HCM) đến Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng đau không thể gập người hoặc ngồi xuống được. Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy người bệnh đau khu trú vùng hố chậu phải và chỉ định thực hiện siêu âm và CT scan bụng. Kết quả chẩn đoán hình ảnh phát hiện một vật như… tăm xỉa răng dài đến 6 cm trong ổ bụng.
“Dưới áp lực của nhu động ruột, cây tăm đã xuyên thủng ruột non, đi vào ổ bụng, tạo khối áp-xe (nhiễm trùng) ở vùng hố chậu phải khiến bệnh nhân đau đớn kéo dài. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi để đưa dị vật ra ngoài, cắt lọc và khâu lỗ thủng ở thành ruột non, loại bỏ khối áp-xe, thám sát và rửa toàn bộ ổ bụng cho bệnh nhân”, thạc sĩ - bác sĩ Dương Bá Lập, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân, cho biết.
Được mổ lấy cây tăm ra khỏi ruột xong, anh M. mới bỡ ngỡ: “Tôi cũng không biết nuốt cây tăm nhọn, dài như vậy lúc nào. Tôi chỉ thấy đau vùng hố chậu phải nhưng đâu ngờ đến mức thủng ruột!”.
Trong khi đó, ông T.C.P (77 tuổi, Bạc Liêu) nhập viện trong tình trạng đau nửa bụng bên phải cấp, lan ra vùng rốn.
Trước đó, ông P. đau bụng âm ỉ 3 tháng không thuyên giảm dù đã uống nhiều thuốc giảm đau. Gần đây, ông sờ thấy một khối u bắt đầu xuất hiện dưới hạ sườn phải, nhấn vào rất đau. Lo mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông đến Bệnh viện Bình Dân để khám và điều trị. Kết quả siêu âm và CT scan bụng cho thấy một tổn thương khu trú, có dị vật cản quang trong lòng bụng tạo thành ổ áp-xe, vị trí gần đại tràng góc gan.
Bác sĩ Lập cho biết, ông P. nhanh chóng được thực hiện phẫu thuật nội soi gắp dị vật, lọc bỏ toàn bộ khối áp-xe và khâu chỗ thủng. Dị vật được lấy ra là một chiếc xương cá dài 3 cm.
Chia sẻ với bác sĩ điều trị, ông P. cho biết ông hay ăn cá, đặc biệt là cá he, loại cá có nhiều xương. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận không nhớ mình nuốt xương cá lúc nào.
Bệnh nhân khác là bà P.T.X (77 tuổi, TP.HCM) nhập viện vì đau bụng nhiều ngày. Kết quả siêu âm và CT scan bụng cho thấy hình ảnh dị vật trong ổ bụng đã đâm xuyên hồi tràng (1/2 chiều dài dưới của ruột non). Các bác sĩ cũng đã lấy ra khỏi ổ bụng người bệnh chiếc xương cá sắc nhọn, kích thước chừng 3 cm.
Cẩn thận khi ăn, nuốt
Theo bác sĩ Lập: Xương cá, tăm xỉa răng là hai dị vật thường bị nuốt phải. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp người bệnh không biết đã nuốt dị vật khiến phải trải qua phẫu thuật khi các vật này đã cắm sâu trong lòng thực quản hoặc đại tràng thay vì chỉ cần nội soi trong lòng ống tiêu hóa để gắp ra. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời vì xương cá, tăm xỉa răng… sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người, không nên có thói quen ngậm tăm, nhai xương cá, xương heo, xương gà… khi ăn. Đặc biệt, cẩn thận trong việc nhai, nuốt khi dùng bữa.
Khi nuốt dị vật cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời và hiệu quả. Tuyệt đối không cố nuốt thêm thức ăn, uống nước cho trôi vì có nguy cơ tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm.
Khi thấy đau khu trú, thường xuyên ở một ví trí trong ổ bụng thì nên đến các bệnh viện để thăm khám và thực hiện một số khảo sát hình ảnh như những trường hợp nêu trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.