Những tiến bộ đột phá của y học thế giới năm 2016

20/12/2016 20:45 GMT+7

Cấy ghép não cho phép bệnh nhân ALS giao tiếp bằng ý nghĩ, sinh em bé đầu tiên trên thế giới sử dụng ADN từ 3 người... là những tiến bộ đột phá của nền y học thế giới năm 2016, theo Medical Daily.

Cấy ghép não cho phép bệnh nhân ALS giao tiếp bằng ý nghĩ
Xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) là một loại bệnh thoái hóa thần kinh gây ảnh hưởng nặng tới hệ thần kinh và phá hủy tất cả khả năng vận động của cơ thể. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong năm nay, một thiết bị đã được cấy vào trong não của một bệnh nhân nữ mắc ALS cho phép cô giao tiếp bằng cách sử dụng suy nghĩ của mình.
Mô cấy được tạo từ các đầu dò được đưa vào não thông qua các lỗ trong hộp sọ. Các đầu dò được kết nối với một thiết bị nằm dưới phần da trên ngực bệnh nhân có khả năng gửi dữ liệu từ suy nghĩ đến máy tính bảng gắn liền trên chiếc xe lăn của bệnh nhân.
Mặc dù còn chậm và cần cải thiện nhiều nhưng công cụ này là một bước tiến quan trọng trong việc cho phép bệnh nhân ALS có thể giữ được khả năng giao tiếp.
Ca sinh em bé đầu tiên trên thế giới sử dụng ADN từ 3 người
Năm nay nền y học cũng đem lại sự ngạc nhiên cho thế giới với ca sinh em bé đầu tiên sử dụng ADN từ ba người. Mặc dù đã có những nỗ lực từ quá khứ, nhưng 2016 mới là năm lần đầu tiên chứng kiến sự kiện này nhờ vào kỹ thuật gọi là chuyển nhân trục chính.
Kỹ thuật này cho phép các bác sĩ thay thế ADN ty thể của người mẹ vốn đã mang các khiếm khuyết di truyền, do đó có thể ngăn chặn khả năng lây lan một căn bệnh di truyền từ mẹ qua con. Kết quả là đứa trẻ sinh ra có ADN hạt nhân từ cha mẹ ruột của mình, nhưng lại có ADN ty thể từ một “nhà tài trợ” thứ ba.
Chỉnh sửa ADN trong phôi người
Năm 2016 có thể xem là năm của những đổi mới quan trọng trong khả năng sinh sản và di truyền vì các chuyên gia cũng đang chỉnh sửa ADN lần đầu tiên. Quá trình đã được thực hiện bằng cách sử dụng một công cụ gọi là CRISPR-Cas9 để sửa đổi các gien của phôi thai. Mặc dù các phôi thai này không được phép tồn tại đủ lâu để đạt được sự trưởng thành đầy đủ, nhưng nó đem lại hy vọng về tương lai có thể ngăn chặn được nhiều hơn các bệnh di truyền nguy hiểm từ cha mẹ sang con cái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.