Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet, những người không có các yếu tố nguy cơ truyền thống có nguy cơ tử vong 30 ngày sau khi bị đau tim cao hơn gần 50% so với những người có các yếu tố nguy cơ (huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao hoặc hút thuốc), theo Eat This, Not That!
Và phụ nữ có tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần nam giới.
Vì sao?
Để đưa ra kết luận này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng cơ quan đăng ký y tế Thụy Điển để phân tích tiền sử bệnh án của 62.000 người bị đau tim do mảng bám trong động mạch của họ.
Tiến sĩ Emma Figtree, bác sĩ tim mạch và là tác giả chính của nghiên cứu, nói với ABC News: “Mặc dù họ nhận thấy nguy cơ mắc bệnh mạch vành thấp, nhưng họ có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với những người có các yếu tố nguy cơ truyền thống giải thích cơn đau tim. Nó cho thấy chúng ta cần phải suy nghĩ xa hơn các yếu tố nguy cơ truyền thống để tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các cơn đau tim và tỷ lệ tử vong".
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn. Tiến sĩ Figtree cho biết những người không có các yếu tố nguy cơ truyền thống có thể dễ bị thay đổi nhịp tim gây tử vong hơn.
Tiến sĩ Figtree, người đang tiến hành nghiên cứu thêm về nguyên nhân của hiện tượng trên, cho biết: “Đặc tính sinh học thúc đẩy tính nhạy cảm với bệnh tim ở những người này có thể thực sự mở ra tất cả các loại thông tin giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về phần còn lại của dân số có nguy cơ mắc bệnh tim”.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ, gây ra khoảng ¼ số ca tử vong. Bệnh tim mạch - một thuật ngữ chung để chỉ bệnh liên quan đến tim hoặc mạch máu - ảnh hưởng đến khoảng một nửa số người Mỹ, theo Eat This, Not That!
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy ở Mỹ, cứ 40 giây lại có một người lên cơn đau tim và cứ 36 giây lại có người chết vì bệnh tim mạch.
Bình luận (0)