Phòng rắn cắn mùa du lịch

23/07/2017 09:02 GMT+7

Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các trường hợp bị rắn độc cắn. Một số gặp tai nạn này ngay trong kỳ du lịch.

Nguy cơ khi hái hoa, ngắt cành
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, công tác tại Trung tâm chống độc, cho biết thời điểm nắng ấm lên kèm theo mưa là “mùa rắn cắn”, bởi đặc điểm sinh học của rắn là sinh hoạt theo mùa. Mùa đông rắn thường ngủ và mùa hè thì ra khỏi tổ đi kiếm ăn. Đặc biệt mưa lại càng là yếu tố thuận lợi cho rắn di chuyển và kiếm ăn nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm chống độc tiếp nhận 1 - 2 ca rắn cắn. Qua thực tế điều trị, bác sĩ Chính lưu ý, ở phía bắc có các khu du lịch Tam Đảo, Hạ Long, Cát Bà... là những nơi du khách thích hành trình khám phá, leo trèo thám hiểm khu vực rừng núi nên dễ bị rắn lục tấn công.
Do rắn lục có khả năng ngụy trang gần giống với màu lá, màu thân cây nên khách du lịch khó phát hiện để phòng ngừa. Chỉ khi bị tấn công thì mới phát hiện ra, vì vậy, khách du lịch nên hạn chế hái hoa, lá, dựa bám vào các cành, thân cây khi mùa rắn sinh nở, kiếm ăn.
Bác sĩ Chính cho biết thêm, khi bị rắn lục cắn, tại chỗ sẽ bị sưng nề, phỏng nước. Nọc độc của rắn lục gây rối loạn đông máu, gây chảy máu và chảy máu toàn thân, khó cầm khiến bệnh nhân có thể tử vong do mất máu. “Khi bị rắn lục cắn, tuyệt đối không trích, nặn vì càng làm tăng nguy cơ chảy máu, dễ tử vong”, bác sĩ Chính đặc biệt lưu ý.
Để hạn chế nguy cơ bị rắn lục cắn, khi đi trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được; không nên ngồi sát gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối; không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần (nếu cần phải dùng gậy, hoặc chân có đi giày).
Nhận biết và xử trí đúng
Nhiều trường hợp bị rắn cắn do bắt rắn, nuôi rắn hoặc đi làm đồng. Với trường hợp này thường bị rắn hổ mang và cạp nia tấn công. Nọc của các loại rắn này rất độc, nếu không xử trí sớm vùng rắn cắn dễ bị hoại tử rộng, thậm chí phải cắt cụt chi, hoặc cắt bỏ tổ chức gân, cơ rất lớn.
Bác sĩ Chính cho hay, nhiều nạn nhân rắn cắn do tin vào kinh nghiệm dân gian hoặc các thầy lang, cứ kéo dài chạy chữa tại nhà, đến khi nhập viện đã nhiễm độc nặng nên tổ chức gân cơ tại vết cắn bị hoại tử rộng, liệu trình điều trị huyết thanh không còn hiệu quả.
Các bác sĩ hướng dẫn nhận biết rắn cắn: tại vết cắn có đau, sưng nề, có thể hoại tử đen trên da (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Tuy nhiên, dấu vết do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không gì đặc biệt nhưng có thể biểu hiện toàn thân: người bệnh nói khó, yếu chân tay, khó thở, nguyên nhân do nọc rắn này gây liệt mềm, tổn thương cơ vân, thận, loạn nhịp tim, tiểu ít. Bệnh nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ hô hấp gây khó thở, suy hô hấp.

tin liên quan

Báo động tình trạng bị rắn độc cắn sau lũ lụt
Ngày 23.12, ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết hiện tại số người bị rắn cắn phải nhập viện đang tăng lên một cách bất thường và đáng báo động.
Với người bị rắn cắn, tuyệt đối không tự đi lại vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Nên bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim. Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) nên băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Các bác sĩ lưu ý, để phòng ngừa rắn cắn trong gia đình, không nên ngủ dưới nền nhà vì rắn hay lui tới những chỗ ấm; thường xuyên kiểm tra nhà để phát hiện nơi rắn hay trú ẩn (mái lợp tranh rạ, mái hiên, tường rơm có khe nứt lớn, khoảng trống không bịt kín của ván sàn). Không đi chân trần vào rừng, nương, rẫy (nhất vào ban đêm); không nên sờ vào miệng rắn, ngay cả khi rắn đã chết (một số rắn giả chết để tránh bị tấn công)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.