Phụ nữ 22 tỉnh, thành 'lười sinh con'

Liên Châu
Liên Châu
27/12/2019 04:49 GMT+7

Mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn. Trong đó, hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đã thành công trong việc giảm sinh và đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 đến nay với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ gần 2,1 con.
Tuy nhiên, hiện mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn, tạo nguy cơ tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng và khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư.

Ông Đinh Huy Dương - Ảnh: Bích Liên

Xu thế mức sinh quá thấp xuất hiện ở nhiều khu vực

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, với việc đạt và duy trì mức sinh thay thế, trung bình cả nước, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con trong suốt 14 năm qua. Việt Nam đã chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thay thế. Quy mô dân số hiện nay là hơn 96,2 triệu người; giảm được khoảng 20 triệu người so với dự báo trước đây nhờ có các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình phù hợp trong thời gian qua. Điều này đã góp phần to lớn vào phát triển KT-XH đất nước.
Tại hội nghị truyền thông về công tác dân số do Tổng cục DS - KHHGĐ tổ chức ngày 26.12 ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ, cho biết mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể: khu vực khó khăn mức sinh cao, có nơi rất cao (miền núi và trung du phía bắc: 2,69 con; Lai Châu: 3,11 con). Khu vực đã đô thị hóa và kinh tế xã hội phát triển, có nơi mức sinh đã xuống thấp dưới mức thay thế như khu vực Đông Nam bộ: 1,63 con; TP.HCM: 1,39 con.
Nếu không khắc phục tình trạng này, khoảng cách thu nhập chất lượng sống giữa các vùng miền tiếp tục khác biệt; nhóm nghèo nhất trung bình có 4 con, trong khi nhóm giàu nhất trung bình chỉ 2 con.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành có mức sinh thấp. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Trong khi đó, trên thế giới, hầu như chưa có quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh lên khi đã xuống quá thấp. Chính vì vậy, bên cạnh việc giữ vững mức sinh thay thế, Việt Nam đã và đang có những bước đi linh hoạt; đặc biệt quan tâm tới những vùng có mức sinh thấp để đảm bảo được một cơ cấu dân số hợp lý, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

TP.HCM có mức sinh “rất đáng lo ngại”

Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về xu hướng “lười sinh con” với phụ nữ tại một số địa phương? Thực tế đó đưa ra yêu cầu như thế nào về công tác dân số hiện nay?
Tuy Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế nhưng còn có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương và các vùng; các nhóm dân tộc; trình độ giáo dục, đào tạo và các nhóm mức sống của phụ nữ. Trung du và miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây nguyên là các vùng có mức sinh cao - cao hơn mức sinh thay thế. Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam bộ và ĐBSCL. Điều này cho thấy cần rất nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông nhằm giảm bớt khoảng cách về mức sinh giữa khu vực thành thị và nông thôn; giữa các vùng và các nhóm dân cư khác nhau. Cụ thể, TP.HCM có mức sinh thấp từ 20 năm qua - dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và đang ở mức rất đáng lo ngại (1,39 con/phụ nữ, theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Điều này tác động mạnh đến cơ cấu dân số của TP trong tương lai. Khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, số người trẻ, nguồn lao động thay thế không đủ đáp ứng sẽ tác động xấu đến phát triển KT-XH của TP cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước.
Theo kết quả tổng điều tra dân số nhà ở 2019, 22 tỉnh/thành có tổng tỷ suất sinh (TFR - số con trung bình/phụ nữ tuổi sinh đẻ) thấp dưới mức sinh thay thế (2,1): TP.HCM 1,39; Tây Ninh: 1,53; Bình Dương: 1,54; Bạc Liêu: 1,61; Cần Thơ: 1,66; Khánh Hòa: 1,77; Đồng Tháp: 1,78; Sóc Trăng: 1,79; Cà Mau: 1,8; Long An: 1,8; Vĩnh Long: 1,81; Tiền Giang: 1,82; Hậu Giang: 1,83; Kiên Giang: 1,85; An Giang: 1,85; Bến Tre: 1,86; Bà Rịa-Vũng Tàu: 1,87; Đà Nẵng: 1,88; Đồng Nai: 1,9; Bình Thuận: 1,91; Trà Vinh: 1,96; Ninh Thuận: 2,09.

Cần điều chỉnh, tránh hiểu lầm

Quy mô dân số Việt Nam khá lớn và tiếp tục gia tăng. Có nhất thiết thực hiện chính sách khuyến khích sinh con tại những nơi có mức sinh thấp không? Nếu áp dụng, chính sách khuyến khích sinh con sẽ được thực hiện thế nào?
Trong bối cảnh mức sinh không đồng đều giữa các vùng trên cả nước, Tổng cục DS - KHHGĐ đang khẩn trương hoàn thiện đề án điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, sẽ tập trung vào việc khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp; tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và duy trì mức sinh ở những địa phương đã đạt mức sinh thay thế; đối tượng, quá trình thực hiện điều chỉnh như thế nào sẽ được đề cập cụ thể.
Hiện nay, quy mô dân số của nước ta khá lớn và vẫn tiếp tục tăng (năm 2030 khoảng 104 triệu người), vì vậy cần phải có sự điều chỉnh và hướng dẫn để tránh tình trạng người dân hiểu lầm và gây ra phản ứng ngược khiến mức sinh tăng trở lại, nhất là ở những vùng đang có mức sinh cao.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.