Cô Carter (20 tuổi) đã phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư da ở lưng vào năm 2017. Vì ung thư chỉ mới ở giai đoạn đầu nên bác sĩ đã giúp Carter trị dứt bệnh, theo Daily Mail.
Cô tin rằng rất khó có khả năng ung thư tái phát. “Tôi đã nói với mình là nguy cơ ung thư tái phát sẽ vô cùng thấp. Nhiều khả năng là tôi không phải lo lắng mình bị ung thư lần nào nữa cho đến hết đời”, Carter kể lại.
Nhưng khoảng 1 năm sau, cô gái trẻ bắt đầu cảm thấy những cơn đau đầu giống như bị cảm cúm và chứng đau nửa đầu. Những cơn đau kéo dài liên tục cả tháng.
Carter đã đến một bệnh viện ở bang Colorado (Mỹ) kiểm tra. Kết quả chụp MRI cho thấy cô có 5 khối u não. Hình dạng của các khối u không đều nhau, trong đó khối u lớn nhất có chiều dài đến 2,54 cm.
Những lần chụp CT sau đó phát hiện ung thư cũng lan đến gan, phổi, xương và các hạch bạch huyết. Carter bị chẩn đoán mắc ung thư da giai đoạn bốn, tức ung thư đã di căn và lan đến những cơ quan khác trong cơ thể.
Các bác sĩ đã lập tức yêu cầu Carter xạ trị. Tuy nhiên, các khối u ung thư vẫn không bị tiêu diệt. Tình trạng sức khỏe của cô gái trẻ ngày càng xấu đi.
Vào tháng 12.2018, Carter phải thực hiện ca phẫu thuật não đầu tiên để cắt bỏ một khối u vì nó bắt đầu chảy máu. Đến tháng 2.2019, cô tiếp tục ca phẫu thuật não thứ hai để ngăn khối u đè ép lên dây thần kinh thị giác, theo Daily Mail.
Nhưng đến tháng 4.2019, các bác sĩ phát hiện các phương pháp điều trị không còn hiệu quả. Khối u ung thư gan vẫn tiếp tục phát triển.
Không còn cách nào khác, Carter đã chọn cách cuối cùng là tham gia một thử nghiệm lâm sàng vào tháng 10.2019. Cô sẽ được trị ung thư bằng phương pháp mới gọi là tế bào lympho thâm nhập khối u (TIL).
Theo đó, các nhà khoa học sẽ thu thập tế bào T của hệ miễn dịch bệnh nhân ung thư. Họ phát triển chúng với số lượng lớn trong phòng thí nghiệm rồi tiêm trở lại vào cơ thể người bệnh. Những tế bào này sẽ có khả năng kiểm soát sự phát triển của khối u ung thư. Các nghiên cứu trước đó cho thấy TIL hiệu quả trên 16% bệnh nhân, theo Daily Mail.
Bình luận (0)