Ông N.M.L (65 tuổi, ngụ Đồng Tháp) bị đái tháo đường nhiều năm qua, phải kiêng cữ ăn uống hằng ngày và thường xuyên theo dõi đường huyết. Nghe người quen “mách nước” có “thầy” ở An Giang trị khỏi bệnh, ông L. đã tìm đến lấy thuốc về uống. “Thời gian đầu, tôi thấy người rất khỏe, đường huyết không tăng nên tôi quyết định uống thuốc này đều đặn luôn, không uống thuốc của bác sĩ bệnh viện kê toa nữa”, ông L. kể.
Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân (BN) xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, hay nôn ói và ngất xỉu. Ông được bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) do tình trạng quá nặng. Người nhà BN cho biết loại thuốc ông L. uống có dạng viên nhỏ, sẫm màu như thuốc tễ, không nhãn mác, mỗi lần chỉ uống vài viên.
Theo bác sĩ Trương Dương Tiển, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ông L. bị toan chuyển hóa lactic (nồng độ a xít lactic trong máu cao hơn bình thường), suy gan, suy thận… phải lọc máu cấp cứu. Qua điều trị tích cực, ông L. đã tỉnh nhưng bệnh vẫn còn nặng, chưa tiên lượng được.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện cũng có các trường hợp tương tự, nhập viện sau một thời gian uống “thần dược” trị đái tháo đường. Có BN phải điều trị lâu dài do suy đa cơ quan, hoại tử da, di chứng suy thận phải lọc máu định kỳ. Có BN thậm chí đã không qua khỏi.
|
“Thần dược” chứa chất cấm
Bác sĩ Tiển cho biết các loại thuốc được lan truyền là “thần dược”, “thuốc gia truyền” để điều trị đái tháo đường mà các BN nêu trên sử dụng đều không có nhãn mác, xuất xứ… Thuốc dạng viên tròn nhỏ, có màu hồng, vàng nâu, xanh, được “thầy lang” tự chế hoặc mua từ Trung Quốc về bán lại. Qua kiểm tra, các thuốc trên đều chứa thành phần chất cấm phenformin, metformin, biguanides… rất nguy hiểm.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, có nhiều trường hợp điều trị cấp cứu nhiễm a xít lactic do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc, có chứa phenformin.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược: phenformin được phát hiện năm 1957, dùng để điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng - đó chính là nhiễm a xít lactic, có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng và bị cấm lưu hành ở Mỹ, cũng như trên thế giới từ năm 1978.
“Nhiễm toan a xít lactic do phenformin trên người bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu thường có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ. Khi tình trạng nặng dần sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác và suy hô hấp. Nhiễm toan lactic là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong”, bác sĩ Nam cảnh báo.
Theo bác sĩ Nam, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính ngày một gia tăng, gây ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa được biến chứng nếu người bệnh tuân thủ điều trị đúng cách, kết hợp chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý.
Bác sĩ Trương Dương Tiển khuyên bệnh nhân đái tháo đường nếu muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào thì phải mang thuốc đến để được bác sĩ tư vấn. Tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của người không có chuyên môn, tin lời quảng cáo, truyền miệng về các loại “thần dược”, “thuốc gia truyền” mà tự mua điều trị.
|
Bình luận