Trẻ bị vẹo cột sống: Chủ quan là 'tiền mất tật mang'

28/09/2017 14:30 GMT+7

Ngày càng có nhiều trẻ em đang trong giai đoạn phát triển bị vẹo cột sống (VCS) thứ phát do ít vận động, ngồi học sai tư thế, đặc biệt là thời gian sử dụng máy tính quá nhiều…

Các bậc cha mẹ dễ dàng phát hiện cột sống của trẻ có “vấn đề” hay không nếu chịu khó quan sát. Kiểm tra bằng mắt thường khi trẻ đứng thẳng, từ phía sau nếu thấy vai xệ một bên, lồng ngực nhô lên, có thể kèm theo vùng hông, thắt lưng nhô phía bên kia... thì rõ ràng có sự bất thường. Khi đó, cho trẻ cúi gập người sẽ thấy rõ thắt lưng có độ lệch, độ vênh nhất định.

tin liên quan

8 dấu hiệu 'tố cáo' cơ thể đang thiếu testosterone

Testosterone có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể nam giới. Thiếu loại hoóc môn này sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề trục trặc trong cơ thể. Những dấu hiệu sau có thể là bằng chứng cho thấy cơ thể bạn đang thiếu testosterone.

Chủ quan là “tiền mất tật mang”
Cách đây chừng 3 tháng, anh Lê Đình Giáp (ngụ tại Đà Nẵng) thấy dáng đi của con mình (cháu Lê Trần Thu H., 11 tuổi) hơi lạ. Quan sát kỹ hơn, anh phát hiện lưng con hơi gù liền đưa đến Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng kiểm tra. Kết quả, cháu H. bị VCS hơn 30 độ. Từ đó đến nay, ngày nào anh cũng kiên trì chở con đi tập phục hồi chức năng. “Lơ là chủ quan một tí, đến khi phát hiện ra thì cột sống cháu đã vẹo. Giờ phải tăng cường đưa cháu đi tập để phục hồi. Vừa mất công, vừa khá tốn kém chi phí. Nhưng phải kiên trì, vì cháu là con gái, VCS sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của cháu sau này”, anh Giáp tâm sự.
Cùng tập vật lý trị liệu với Thu H. tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng còn có nhiều bạn nhỏ khác, đa phần ở độ tuổi từ 10 - 16. Huỳnh Ngọc Xuân Th. (11 tuổi, ở Đà Nẵng) bị VCS nhưng mắt thường khó nhận ra, chỉ đến khi mẹ vô tình sờ phát hiện một bên lưng thấy mềm, hơi lõm. “Ban đầu, mẹ đưa con đến khám ở phòng khám tư, bác sĩ nói phải tập vật lý trị liệu kiên trì đến năm 18 tuổi, con rất sợ. May là vào bệnh viện này, bác sĩ cho biết con chỉ phải tập kiên trì chừng… 6 tháng sẽ đỡ”, bé Th. nói. Trong khi đó, Phạm Thanh Tr. (16 tuổi) cũng VCS nhưng phát hiện hơi muộn, khi đến bệnh viện kiểm tra thì khối cơ đã gồ lên, u cục và độ lệch khá lớn. “Em phải tập luyện và trị liệu tích cực, mất rất nhiều thời gian, lại phải mặc áo chỉnh hình thường xuyên, khá bất tiện”, Tr. tâm sự.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương, khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng) cho biết đối với trẻ em, ngoài VCS bẩm sinh còn có VCS thứ phát do ngồi sai tư thế trong thời gian dài, vẹo cơ năng, với góc vẹo thường từ 5-60 độ. Theo bác sĩ Phương, khi quan sát và phát hiện trẻ bị VCS, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị giảm độ vẹo với các bài tập vật lý trị liệu làm mạnh cơ bụng, mạnh cơ lưng; chạy điện hồng ngoại để giảm đau, làm mềm cơ; dùng máy tập tác động ở tư thế kéo giãn cột sống, mặc áo chỉnh hình…

tin liên quan

Những thói quen giúp sống thọ và viên mãn
Sống thọ và viên mãn là mong ước của nhiều người. Điều này phụ thuộc vào di truyền, hoàn cảnh gia đình, môi trường. Bên cạnh đó, lối sống cũng quan trọng không kém.
Có 3 cấp độ VCS phụ huynh cần biết để phát hiện và tiến hành can thiệp sớm, giúp trẻ tránh các di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe. Ở cấp độ 1, cột sống đã lệch nhưng chỉ có thể phát hiện khi quan sát kỹ vận động của các em hoặc được đo, chụp bằng máy với độ lệch từ 5-20 độ. Ở cấp độ 2, nhìn từ phía sau đã thấy cột sống cong vẹo, gù xương sườn do đốt sống bị xoay với độ vẹo từ 20-40 độ. Mức độ này đã bắt đầu ảnh hưởng đến thần kinh và các chức năng hô hấp. Ở cấp độ 3, cột sống bị vẹo lệch sang bên từ 40-60 độ; chức năng hô hấp, tim mạch đã bị ảnh hưởng, có thể gây biến dạng khung xương chậu, khớp háng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nữ giới. Nặng hơn nữa, cấp độ 3 sẽ ảnh hưởng chiều dài của lưng khiến thắt lưng ngắn lại, xương sườn phần ngực bị biến dạng gây suy hô hấp, xuất hiện viêm phổi, các cơ quan trong ổ bụng bị chèn ép…
“Cột sống lệch từ 5-20 độ có thể tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Từ 20-40 độ thì phải can thiệp bằng áo chỉnh hình thường xuyên và có thể phải mặc cho đến hết giai đoạn trưởng thành. Còn trên 40 độ thì phải can thiệp bằng phẫu thuật nhưng sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ Phương cho biết.
Theo các chuyên gia về chấn thương chỉnh hình, sở dĩ VCS ở trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều cho trẻ ngày nay lười vận động, thời gian sử dụng máy tính, thiết bị điện tử kéo dài, ngồi sai tư thế với tiêu chuẩn bàn ghế không phù hợp. Đặc biệt, đối với VCS, bác sĩ khuyên nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì khi cột sống đã bị vẹo sẽ rất khó phục hồi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của trẻ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.