Vì đâu hiếm muộn?

25/11/2016 07:32 GMT+7

Hiện nay, khoảng 10% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản có vấn đề về hiếm muộn.

Vô sinh hiếm muộn gia tăng
Theo BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, nhu cầu khám và điều trị hiếm muộn, vô sinh có xu hướng tăng trong những năm gần đây xuất phát từ các yếu tố: phụ nữ muốn có con khi đã ở độ tuổi khá trễ (sau 30 tuổi), lúc này khả năng sinh sản tự nhiên có xu hướng suy giảm; môi trường sống ô nhiễm, công việc căng thẳng có thể góp phần làm giảm khả năng có thai; các bệnh lý y khoa ở phụ nữ có thể gây hiếm muộn cũng gia tăng: nhiễm trùng phụ khoa, rối loạn hoạt động buồng trứng, lạc nội mạc tử cung…
Nguyên nhân vô sinh
Với phụ nữ, nguyên nhân gây vô sinh thường gặp chủ yếu do tắc vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, lập gia đình khi đã lớn tuổi (>35 tuổi) nên khó sinh nở. Trong khi đó, nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới là do sự suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Nguyên nhân hiếm muộn giữa nam và nữ tương đương nhau.
Ngoài ra, lối sống và môi trường, như: chế độ ăn không tốt cho sức khỏe, tỷ lệ béo phì tăng, hút thuốc lá, ô nhiễm không khí, khí thải công nghiệp; ô nhiễm nguồn nước; thực phẩm chứa độc chất… hoặc stress cũng góp phần làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn. Theo BS Tường, công việc căng thẳng, gây stress làm rối loạn hoạt động buồng trứng. Hơn nữa stress, mệt mỏi cũng làm giảm tần suất quan hệ vợ chồng và làm giảm khả năng có thai.
Bên cạnh đó, cũng theo BS Tường, một số người áp dụng biện pháp tránh thai lâu năm, khi muốn có thai thì đã lớn tuổi nên khả năng thụ thai sẽ giảm hoặc tránh thai bằng cách đặt vòng có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng đường sinh sản và dẫn đến hiếm muộn, và đặc biệt hút nạo thai ngoài ý muốn cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương đường sinh sản dễ gây hiếm muộn.

tin liên quan

Ngày càng nhiều nguyên nhân gây vô sinh
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Phó giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, cho biết nguyên nhân gây hiếm muộn ngày càng đa dạng, có thể do vợ hoặc chồng hoặc do cả hai.
Các phương pháp điều trị và can thiệp phổ biến hiện nay
Theo BS Tường, đa số các biện pháp chữa hiếm muộn đều cần thời gian khám, điều trị kéo dài và chi phí cao. Do đó, phụ nữ nên tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản để phòng tránh, ngoài ra nên có con trước 30 tuổi thì ít bị nguy cơ hiếm muộn hơn.
Hiện nay, các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn phổ biến gồm có: một là thụ tinh nhân tạo còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Phương pháp này thường dùng cho các trường hợp nhẹ, tuổi trẻ, tỷ lệ thành công khoảng 15%. Hai là thụ tinh trong ống nghiệm, tỷ lệ thành công nói chung khoảng 30-40%. Thụ tinh trong ống nghiệm thường được khuyến cáo trong các trường hợp: tắc vòi trứng, tinh trùng yếu nặng, thất bại nhiều lần với phương pháp thụ tinh nhân tạo, người vợ trên 38 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.