Viêm tụy cấp là gì mà sau tết nhiều 'sâu rượu' nhập viện?

Duy Tính
Duy Tính
22/02/2019 04:52 GMT+7

Viêm tụy có viêm tụy cấp và viêm tụy mạn. Nguyên nhân chủ yếu là do bia, rượu mà ra.

Thường sau tết, các “ma men” kéo nhau đi đến các bệnh viện nhập viện vì đau bụng chịu không nổi. Nguyên nhân chính là do viêm tụy cấp hoặc viêm tụy mạn. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), sau tết mỗi ngày tiếp nhận từ 2 - 3 ca viêm tụy cấp do rượu, có ngày đến 5 ca.

Bỏ rượu vẫn không hết viêm tụy

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân T.V.P (44 tuổi, ngụ Bình Phước) trong tình trạng đau bụng dữ dội.
Các kết quả xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, cho thấy bệnh nhân bị viêm tụy mạn, sỏi ống tụy, vôi hóa toàn bộ tuyến tụy, ống tụy giãn 10 mm. Mặc dù được điều trị giảm đau tích cực nhưng cơn đau của bệnh nhân vẫn không giảm. Bệnh được chẩn đoán viêm tụy mạn gây đau không đáp ứng với điều trị nội khoa, sỏi tụy, giãn ống tụy và đái tháo đường.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở ống tụy lấy sỏi, khoét một phần đầu tụy, đưa quai ruột non lên nối với phần ống tụy đã mở. Sau mổ bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Hiện bệnh nhân ăn uống bình thường, ngon miệng, không còn những cơn đau dữ dội như trước nữa, bệnh nhân chỉ còn uống thuốc giảm đau thông thường sau mổ.
Bệnh nhân cho biết từ 4 năm về trước, mỗi ngày ông uống trung bình 1 lít rượu.
Nhưng sau khi nhậu thì bệnh nhân thường đau bụng nhiều vùng thượng vị, đi khám phát hiện viêm tụy cấp. Sau đó cứ 2 đến 3 tháng lại tái phát cơn đau do viêm tụy và phải nhập viện điều trị, nhưng tình trạng đau vẫn tái phát nhiều lần. Do vậy, bệnh nhân đã bỏ uống rượu.
Khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân lại mắc thêm bệnh đái tháo đường.
Gần đây, bệnh viêm tụy vẫn tái phát, bệnh nhân thấy đau bụng nhiều hơn, đau liên tục, đau dữ dội không chịu đựng được, phải nhập viện chích thuốc giảm đau thường xuyên.

70% viêm tụy mạn do bia, rượu

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Định (Khoa tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn), viêm tụy mạn tính là bệnh do sự xơ hóa từ từ của nhu mô tụy, dẫn tới sự phá hủy ngày càng nặng nhu mô tụy dẫn tới hậu quả suy giảm hoặc mất chức năng tụy.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới viêm tụy mạn, trong đó hơn 70% trường hợp viêm tụy mạn là do lạm dụng bia, rượu. Viêm tụy mạn tiên phát, có vôi hóa hay gặp ở nam giới, từ 35 - 50 tuổi, có nghiện rượu.
Các nguyên nhân khác có thể là do rối loạn chuyển hóa như thiếu đạm, thừa mỡ kéo dài; nhiễm độc chì, thủy ngân; nguyên nhân tự miễn. Viêm tụy thứ phát là do tắc nghẽn ống tụy hoặc vùng bóng Vater.
Đa số các trường hợp viêm tụy mạn thường biểu hiện với những cơn đau bụng vùng thượng vị, đau thường nặng hơn sau khi ăn, đau lan ra sau lưng. Cơn đau có thể nhẹ, kéo dài hoặc cơn đau nặng, dai dẵng. Triệu chứng khác kèm theo có thể: buồn nôn, nôn, sụt cân, tiêu phân mỡ…
Nếu không được điều trị, bệnh tiến triển nặng dần, các biến chứng thường xảy ra trong 10 năm đầu, thường gặp là các triệu chứng kém hấp thu và đái tháo đường. Điều trị nội khoa hết sức quan trọng. Phẫu thuật được cân nhắc khi đau bụng kéo dài, đau không chịu nổi và không đáp ứng với điều trị nội khoa. Phẫu thuật được thực hiện là dẫn lưu ống tụy (phẫu thuật nối ống tụy với ruột). Đối với những trường hợp nặng, có thể phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hay một phần của tuyến tụy.

3 nguyên nhân gây viêm tụy cấp

Theo bác sĩ Hồ Tấn Phát, Trưởng Khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân viêm tụy cấp có liên quan đến bia rượu thì thời điểm nào cũng có người nhập viện, nhưng trong và sau tết thì nhập viện nhiều nhất. Điều đặc biệt, sau tết, bệnh nhân viêm tụy cấp còn bị tăng mỡ máu rất cao (triglycerides), mà mỡ máu tăng cao là tiên lượng rất nặng.

“Viêm tụy cấp có 3 nguyên nhân chính là do sỏi mật, do bia rượu và tăng mỡ máu. Đa số bệnh nhân chuyển viện đến Bệnh viện Chợ Rẫy đều liên quan đến bia rượu và trong tình trạng nặng”, bác sĩ Phát nói.

Theo bác sĩ Phát, triệu chứng chính của viêm tụy cấp là đau bụng, ói mửa. Về điều trị, chủ yếu là cho bệnh nhân nhịn ăn uống để tụy nghỉ ngơi, nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch và theo dõi, hồi sức hỗ trợ bệnh nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.