Ngày 7.11, tại TP.HCM, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam phối hợp cùng Merck Việt Nam, tổ chức ngày hội nâng cao nhận thức về "tiền đáo tháo đường" nhân dịp ngày Đái tháo đường Thế giới (14.11).
Có hơn 300 người dân đến tham dự chương trình, để nghe bác sĩ thông tin về tiền đái tháo đường, về các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phòng bệnh, bên cạnh việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị...
Tiến sĩ Josefin Wallat, Tổng lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại TP.HCM, tham dự chương trình.
Theo GS-TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế năm 2019 cho thấy, thế giới có 373,9 triệu người (từ 20-79 tuổi) mắc tiền đái tháo đường; ở Việt Nam con số này là 5,3 triệu người.
GS-TS Trần Hữu Dàng cho biết, tiền đái tháo đường là khi đường máu cơ thể cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán đó là bệnh đái tháo đường. Nó là giai đoạn trung gian giữa người bình thường với người mắc đái tháo đường loại 2.
Tiền đái tháo đường hầu như không có triệu chứng gì. Việc phát hiện là qua khám sức khỏe định kỳ, hoặc tình cờ qua tầm soát, khám bệnh nào đó... Nếu không có sự can thiệp, điều chỉnh dinh dưỡng, sinh hoạt... sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Hiện, đái tháo đường là 1 trong 4 bệnh mạn tính không lây nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. "Bệnh đái tháo đường gây biến chứng lên tim mạch, mắt, thận, thần kinh... Bệnh này chiếm 10% chi phí chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu mỗi năm. Khi người dân biết về tiền đái tháo đường sẽ giúp giảm số mắc bệnh đái tháo đường, giảm gánh nặng chi phí y tế...", GS-TS Trần Hữu Dàng, nói.
Tiến sĩ Josefin Wallat, Tổng lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại TP.HCM, đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế Việt Nam trong chiến lược phòng chống các bệnh không lây (tim mạch; đái tháo đường; tăng huyết áp...).
Bình luận (0)