Sức lan tỏa từ Thương hiệu Quốc gia Vietnam Airlines

21/11/2024 08:00 GMT+7

Việc xây dựng một thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực hàng không là rất cần thiết cho quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam ra thế giới.

Theo báo cáo của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng từ 141 tỉ USD năm 2016 lên 319 tỉ USD năm 2020. Giai đoạn 2019-2023, thương hiệu Quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102%, đạt 498,13 tỉ USD vào năm 2023, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia được xếp hạng.

Sức lan tỏa từ Thương hiệu Quốc gia Vietnam Airlines

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thương hiệu quốc gia không chỉ là một yếu tố cạnh tranh mà còn là công cụ quan trọng để nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Năm 2024, Vietnam Airlines tiếp tục là một trong 190 doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh Thương hiệu quốc gia. Với sứ mệnh của hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines không chỉ được khách hàng đánh giá cao bởi dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế, mà còn được yêu mến nhờ nỗ lực phát triển bền vững, tích cực bảo vệ môi trường và thực hiện các hoạt động vì lợi ích cộng đồng.

Ông Đặng Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ngay từ những năm đầu thành lập, Vietnam Airlines đã định hướng để trở thành đơn vị tiên phong trong quá trình phát triển của ngành hàng không dân dụng, là mũi nhọn của nền kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng như là cầu nối quan trọng để kết nối Việt Nam với thế giới. "Vietnam Airlines không chỉ là đại diện thương hiệu mà còn là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua sự hội nhập và phát triển trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Tuấn chia sẻ.

Các hãng hàng không quốc gia thuộc sở hữu của Chính phủ được coi như một đại sứ trên bầu trời. Nói cách khác, hình ảnh của một hãng hàng không quốc gia cũng chính là quảng bá văn hoá, con người của quốc gia đó. Vì vậy, việc xây dựng một thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực hàng không là rất cần thiết cho quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam ra thế giới. Khi nói đến Vietnam Airlines, bạn bè, đối tác quốc tế nghĩ ngay đến văn hoá, dân tộc, thiên nhiên tươi đẹp của đất nước Việt Nam và ngược lại, nói đến Việt Nam là nhắc đến "cầu nối" Vietnam Airlines.

Giải pháp phát huy vai trò Thương hiệu quốc gia

Bàn về giải pháp phát huy vai trò Thương hiệu quốc gia của Vietnam Airlines, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, TS Phạm Vĩnh Thắng, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, bên cạnh việc lấy an toàn là mục tiêu hàng đầu và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, việc duy trì các cân đối tài chính một cách hài hòa giữa ngắn hạn và dài hạn theo định hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững là một trong những yêu cầu quan trọng.

Trên nền tảng thị trường nội địa đã có sự phục hồi rõ nét, nhiều đường bay quốc tế đã được nối lại, Vietnam Airlines vẫn phải đối diện với nguy cơ dòng tiền thâm hụt do di chứng nặng nề của đại dịch và chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng giá nhiên liệu, tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro.

Để vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, hãng đã nỗ lực thực hiện tái cơ cấu toàn diện cùng với hệ sinh thái hơn 30 doanh nghiệp, đơn vị để phục hồi và phát triển. Các giải pháp tự thân là quan trọng, là cốt lõi để phát huy hơn nữa vai trò thương hiệu quốc gia. Nhưng để xây dựng Vietnam Airlines thành thương hiệu mạnh trên thế giới với năng lực cạnh tranh quốc tế, cần có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Để giải quyết các vấn đề thách thức đang đặt ra, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tổng công ty do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá điểm đến quốc gia và thực hiện chính sách nới lỏng về nhập cảnh, mở rộng các quốc gia được miễn thị thực nhằm thu hút khách du lịch, thương mại đến Việt Nam.

Sức lan tỏa từ Thương hiệu Quốc gia Vietnam Airlines

Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng sân bay cũng là điều kiện rất quan trọng để phát triển ngành hàng không. Do đó, cần đẩy nhanh các dự án kết nối sân bay quốc tế Long Thành với trung tâm thành phố và xây dựng các tuyến giao thông đường bộ và đường sắt để phát triển ngành hàng không, đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển lớn của khu vực.

Các giải pháp nêu trên nếu được triển khai đồng bộ, có kế hoạch, lộ trình và các bước kiểm tra, giám sát chặt chẽ sẽ giúp Vietnam Airlines xây dựng hình ảnh mạnh mẽ, trở thành một thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vietnam Airlines đáp ứng rõ ràng và đầy đủ các yêu cầu đối với một thương hiệu quốc gia, đại diện cho hình ảnh của Việt Nam, thể hiện qua việc được công nhận nhiều giải thưởng quốc tế về chất lượng dịch vụ, như Hãng hàng không 5 sao của tổ chức APEX, Top 20 hãng hàng không tốt nhất thế giới do tổ chức AirlineRating đánh giá, Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á của World Travel Awards.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines tích cực tham gia quảng bá văn hóa Việt Nam, đóng vai trò như đại sứ văn hoá của Việt Nam tại nước ngoài. Về quy mô, Vietnam Airlines hiện có mạng lưới đường bay quốc tế phong phú với 91 đường bay (57 đường bay quốc tế và 34 đường bay nội địa) tới 54 điểm đến (32 điểm đến quốc tế và 22 điểm nội địa). Hãng liên tục nâng cấp đội bay với các máy bay hiện đại nhất thế giới, đảm bảo an toàn và tiện nghi cao như Boeing 787 và Airbus A350. Vietnam Airlines cũng tích cực tham gia hỗ trợ cộng đồng và trách nhiệm xã hội, giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt người dân và quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.