Từ nhiều tháng nay, anh Lê Quang Hào (38 tuổi, bố cháu Lê Thị Nhật Linh) ngày nào cũng đứng tại các ga tàu điện ngầm, điểm đông người xin chữ ký để gửi lên tòa án Nhật Bản yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc kẻ sát hại bé. Mẹ bé, chị Nguyễn Thị Nguyên, thì lên mạng xã hội kêu gọi, vận động mọi người góp chữ ký.
Một tấm hình chụp anh Hào mang tấm bảng trước ngực đứng tại ga Kashiwa tỉnh Chiba để xin chữ ký của mọi người đã gây xúc động cho cộng đồng mạng.
Làn sóng lan rộng
Sau khi thông tin gia đình bé Linh đang xin chữ ký lan truyền rộng rãi, số lượng chữ ký thu thập được đã tăng đáng kể. Trước đó, sau nhiều tháng bố Nhật Linh đứng ở các ga tàu bên Nhật Bản và họ hàng Nhật Linh bên Việt Nam đi vận động, cũng chỉ có được gần 30.000 chữ ký so với mục tiêu 50.000 chữ ký.
Hiện nay ở nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các điểm lấy chữ ký. Ở quê ngoại cháu Nhật Linh tại xóm 3, thôn Trà Phượng, xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng, bà ngoại cháu Linh, bà Vũ Thị Tề cho biết số lượng bản chữ ký gửi về nhà bà đang nhiều hơn. Nhiều cư dân mạng đã nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi của gia đình bé Linh thông qua việc cung cấp địa chỉ nhà mình để mọi người có thể gửi chữ ký và đích thân họ sẽ gửi đến cho gia đình bé Linh. Không chỉ tại Nhật Bản mà cả ở Việt Nam, các nhóm tình nguyện hỗ trợ thu gom chữ ký cho gia đình bé Linh liên tục được lập ra.
Tình tiết áp dụng án tử hình tại Nhật Bản
Án tử hình ở Nhật Bản được áp dụng đối với tội giết người, chủ yếu là trường hợp tội phạm giết nhiều người. Chia sẻ với Thanh Niên, một phóng viên tờ The Japan Times ở Nhật Bản cho hay án tử hình hiếm khi được áp dụng với trường hợp giết một người, ngoại trừ những vụ ra tay quá sức tàn độc.
Độ tuổi tối thiểu chịu án tử hình tại Nhật Bản là 18 và việc thi hành án được thực hiện bằng biện pháp treo cổ. Tòa án nước này xem xét hình phạt tử hình theo 9 tiêu chí, gồm mức độ tàn ác; động cơ; cách thức phạm tội; hậu quả của hành vi tội ác, đặc biệt là số lượng nạn nhân; cảm xúc của gia đình nạn nhân; ảnh hưởng của hành vi tội ác đối với xã hội; độ tuổi của bị cáo; tiền án tiền sự; mức độ hối hận của bị cáo.
Theo điều 475 luật Tố tụng hình sự Nhật Bản, án tử hình phải được thi hành trong vòng 6 tháng sau khi đơn xin giảm án bị bộ trưởng tư pháp bác bỏ. Tuy nhiên trong thực tế, thời gian chờ đợi thi hành án thường vào khoảng 5 - 7 năm.
Huỳnh Thiềm
Hàng ngàn phụ huynh và học sinh từ mầm non đến THPT tại TP.HCM cũng tham gia gửi chữ ký để mong xét xử nghiêm khắc hung thủ. Học sinh Châu Khả Di, lớp 12A20 Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết em đang cùng bạn bè gửi cho nhau đường link hướng dẫn việc ký tên mà mẹ bé Nhật Linh gửi lời kêu gọi trên Facebook. “Chúng em đều đồng tình hưởng ứng việc làm này để chung tay vào việc mong cơ quan pháp luật của Nhật Bản xử phạt thích đáng kẻ thủ ác. Chúng em cũng hy vọng học sinh các trường khác cùng chung tay với gia đình”, Khả Di chia sẻ.
Việc thu thập chữ ký cũng đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Ngay tại Nhật, từ ngày 31.1, trang Cộng đồng du học Nhật Bản đã có những bài viết kêu gọi du học sinh thu thập chữ ký ủng hộ gia đình bé Nhật Linh. Theo thông tin này, từ ngày 2 - 8.2, gia đình bé sẽ đứng ở ga Ueno (Tokyo) để thu thập chữ ký. Những du học sinh ở xa Tokyo có thể đến máy photo ở các cửa hàng Family Mart, 7 Eleven chọn theo hướng dẫn và in ra theo mã có sẵn, gửi về địa chỉ gia đình Nhật Linh ở tỉnh Chiba.
Trang Sugoi, một trong những trang có khá đông thành viên đang học tập và sinh sống tại Nhật Bản, cũng có bài viết kêu gọi mọi người tại Nhật tham gia ký tên. Bài viết này có đến 20.000 lượt chia sẻ để kêu gọi thu thập chữ ký gửi về cho gia đình. Nhiều người cho biết một số nghiệp đoàn của người Việt tại Nhật cũng đã kêu gọi thu thập chữ ký.
Đặc biệt, từ ngày 31.1 đến nay, một số du học sinh tại Nhật cũng đã tự nguyện đi quyên góp chữ ký ở ga Shinokubo (Tokyo). Các du học sinh này đang tiếp tục kêu gọi bạn bè đến những nơi công cộng tại Nhật Bản để thu thập chữ ký. Trang Facebook Hội Sinh viên Việt Nam tại châu Âu cũng đã có bài kêu gọi các thành viên tham gia ký gửi về địa chỉ gia đình tại Nhật Bản. Hội Sinh viên Việt Nam tại Melbourne (Úc) chia sẻ thông tin này. Hội quán du học sinh Canada cũng đang nhanh chóng chia sẻ cách để ký tên và địa chỉ gửi đơn về Việt Nam và Nhật Bản.
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tự nguyện đến ga tàu Shinokubo để thu thập chữ ký giúp gia đình bé Nhật Linh Ảnh: Trang Sugoi
Ngoài việc chia sẻ với tốc độ chóng mặt, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận là giá trị pháp lý của việc thu thập chữ ký. Ngoài ra, cũng có không ít ý kiến tỏ ra thận trọng khi chưa xác định được mục đích rõ ràng của việc thu thập.
Mẹ bé Nhật Linh cho biết việc thu thập chữ ký không có giá trị pháp lý trong xử án và không có tác dụng đẩy nhanh tiến trình xét xử. Tuy nhiên, việc này có ý nghĩa giúp tòa án hiểu được sự phẫn nộ, đau đớn của gia đình và cộng đồng. Hay nói cách khác, đây là “tình tiết tăng nặng” để tòa án khép kẻ phạm tội vào khung tử hình hay chỉ ngồi tù giam. Xã hội Nhật Bản cũng coi việc thu thập chữ ký là chính đáng.
Vụ án bé Nhật Linh bị sát hại tại Nhật đã gây chấn động dư luận trong một thời gian dài. Hôm 24.3.2017, bé Linh được phát hiện mất tích khi đi học. Ngày 26.3.2017, thi thể bé được phát hiện trong tình trạng không quần áo tại một bờ sông ở thành phố Akibo thuộc tỉnh Chiba, cách nơi bé mất tích khoảng 10 km. Ngày 4.4.2017, cảnh sát Nhật bắt nghi phạm Yasumasa Shibuya (40 tuổi, chủ tịch hội học sinh của ngôi trường bé Linh đang theo học). Cảnh sát đã thu thập được bằng chứng như mẫu ADN và tóc của Nhật Linh trong xe hơi của Yasumasa Shibuya. Ngày 26.5.2017, cảnh sát Nhật Bản khởi tố Yasumasa Shibuya với 3 tội danh: bắt giữ nạn nhân lên xe hơi riêng, cưỡng bức và sát hại nạn nhân. Tuy nhiên cho đến nay, Yasumasa Shibuya vẫn im lặng. Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra, vụ án đã phải kéo dài và chưa định ngày xử chính thức.
Huỳnh Thiềm
Trả lời Thanh Niên, chị Phi Hoa, một người Việt sống ở Tokyo, cho biết cộng đồng người Việt tại đây ai cũng sẵn sàng hỗ trợ gia đình bé Nhật Linh tìm lại công lý cho bé. Chị Phi Hoa cho rằng việc gia đình bé Linh xin chữ ký sẽ tạo được sự chú ý của dư luận, tuy nhiên ở Nhật Bản, quan tòa không nhất thiết dựa vào đó để cân nhắc hay tăng mức án theo yêu cầu của gia đình nạn nhân.
Chị Đào Ngọc, một người Việt sống tại thành phố Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi (Nhật Bản), chia sẻ vụ án bé Nhật Linh bị sát hại làm cộng đồng người Việt tại đây rất phẫn nộ, kêu gọi các cơ quan tư pháp của Nhật Bản sớm đưa ra xét xử và buộc kẻ gây ra tội ác phải chịu mức án cao nhất. Chị bày tỏ hy vọng tòa án sẽ sớm xét xử và tuyên mức hình phạt thích đáng nhất để trả lại sự công bằng cho bé Linh và gia đình bé.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết đại sứ quán đang liên tục làm việc với các cơ quan chức năng của Nhật Bản liên quan đến vụ việc. Đại sứ quán sẽ sớm cung cấp thông tin chính thức về các giao thiệp với phía Nhật Bản và gia đình bé Nhật Linh ngay khi có thể. Tương tự, Bí thư thứ nhất phụ trách lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản Nguyễn An Tiến cũng nói với Thanh Niên rằng đại sứ quán vẫn đang làm việc với các cơ quan chức năng sở tại và nhiều thông tin liên quan tới vụ án sát hại bé Nhật Linh hiện vẫn chưa rõ ràng.
Bình luận (0)